Cách tự học tại Khai Trí
10 tháng trước
Trước khi rời khỏi ghế Chủ tịch FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến gửi lời khuyên cho thế hệ Z: “Muốn sống sót, bắt buộc các bạn phải TỰ HỌC kiến thức m...
“Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không có khả năng học, rồi quên đi chính...Nguồn: cafef.vn
Vì sao cần phải tự học suốt đời
Bởi vì chúng ta đang sống trong một “cơn bão” mà mọi thứ đang biến đổi nhanh đến mức kiến thức vừa mới được tạo ra đã trở nên lỗi thời. Cho nên, nếu bạn không biết liên tục tự học để thích nghi với sự biến động đó thì bạn sẽ bị bỏ lại trong “cơn siêu bão toàn cầu” này.
Cơn “siêu bão” ấy là sự “hợp sức” của ba cơn bão nhỏ được tạo ra bởi CÔNG NGHỆ, bởi TOÀN CẦU HÓA, và bởi BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, mà cơn đại dịch do virus COVID-19 lần này chỉ là “một cơn gió nhẹ” báo hiệu sự bắt đầu của cơn bão thứ ba. Vì vậy, sau đợt khủng hoảng toàn cầu này, mọi thứ chẳng những sẽ không ổn định trở lại, mà còn biến động khủng khiếp hơn! Thế giới sẽ liên tiếp bị những cơn đại khủng hoảng quét sạch những mô hình cũ để thay bằng những mô hình mới. Khi đó, người ta sẽ phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn và sử dụng nhân sự ít hơn; hầu hết công việc của con người sẽ được thay thế bởi robot nên năng lực đáng giá nhất của một người lúc đó là khả năng tự học suốt đời để thích nghi với sự thay đổi. Những “nhà tiên tri” hiện đại như Thomas Friedman và Yuval Noah Harari đều đồng tình với nhận định ấy.
Sự biến động đó sẽ khiến cho mô hình giáo dục “học một lần dùng cả đời” (One-time learning) bị thay thế bằng mô hình giáo dục “học suốt đời” (Lifelong learning); nhưng vì nó xảy ra quá nhanh nên hệ thống giáo dục cồng kềnh của thế giới chưa kịp điều chỉnh từ mô hình cũ sang mô hình mới. Cho nên, trong giai đoạn giao thời này, mỗi người phải tự chuyển đổi từ cách “học một lần” sang cách “học suốt đời”, tức là bạn phải thay đổi cả hệ tư tưởng của mình. Việc này có dễ dàng không?
Xin thưa rằng, thay đổi hệ tư tưởng là một việc rất khó, khó nhất trong những việc mà bạn đã từng làm. Nó quan trọng giống như bạn “format” hệ điều hành của bộ não và “cài đặt” một hệ điều hành mới; nó khó khăn như việc băng qua sa mạc hoang vu một mình mà không có người trợ giúp, nên mười kẻ khởi hành, chín kẻ hy sinh.
Vậy tại sao chúng ta không hợp nhau lại thành từng nhóm từng đoàn để cùng vượt qua sa mạc? Tại sao chúng ta không liên kết các nhóm ấy tạo thành một cộng đồng để hỗ trợ lẫn nhau? Tại sao chúng ta không chia sẻ thông tin, không tối ưu nguồn lực, không dìu dắt lẫn nhau trên con đường gian nan ấy? Chẳng phải “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” hay sao?
Đó là lý do để chúng tôi tạo nên Cộng đồng tự học Khai Trí để không ai bị bỏ lại trên con đường chuyển đổi từ cách HỌC MỘT LẦN sang cách HỌC SUỐT ĐỜI. Cộng đồng này gồm nhiều nhóm tự học, mỗi nhóm thuộc một lĩnh vực khác nhau, và được dẫn dắt bởi một Mentor là người có kinh nghiệm tự học trong lĩnh vực ấy.
Chúng tôi có chung một MỤC TIÊU là “giúp mọi người tự học để thích nghi với thời đại biến đổi tăng tốc”. Chúng tôi TIN RẰNG: “Khi thế giới bị biến đổi nhanh chóng bởi khí hậu, toàn cầu hóa và công nghệ, thì mô hình giáo dục học một lần dùng cả đời (One-time learning) cần được thay thế bởi mô hình giáo dục học suốt đời (Lifelong learning)", và SỨ MỆNH của chúng tôi là giúp mọi người chuyển đổi từ mô hình giáo dục cũ sang mô hình giáo dục mới đó.
Cho đến nay, chúng tôi đã tạo ra một mạng xã hội KhaiTri.net để kết nối mọi người trong thế giới phẳng, và chúng tôi đã kết hợp với một vài tổ chức để tạo ra một số nhóm tự học trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như chúng tôi đã kết hợp với Cộng đồng xây dựng Việt Nam TOPBUILDER.NET để tạo ra nhóm tự học TopBuilder.net; kết hợp với Cộng đồng kiến trúc sư ARCHITECT.VN để tạo ra nhóm tự học Architect.vn; kết hợp với Cộng đồng những nhà thiết kế DESIGNER.VN để tạo ra nhóm tự học Designer.vn; và chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với những cá nhân và tổ chức trong mọi ngành nghề để tạo ra những nhóm tự học cho lĩnh vực ấy.
Chúng tôi hiểu rằng chính chúng tôi cũng phải tự học suốt đời thì mới thích nghi với sự biến đổi của nền giáo dục Việt Nam. Vì vậy, để biết nền giáo dục Việt Nam đang biến đổi như thế nào, chúng tôi tạo ra cộng đồng giáo dục Việt Nam Say.edu.vn để “tự học” những vấn đề mới nảy sinh trong nền giáo dục. Mọi hoạt động của Khai Trí đều nhằm giải quyết những vấn đề ấy cho nền giáo dục Việt Nam.
CÁCH TỰ HỌC TẠI KHAI TRÍ
Giáo dục thuận tự nhiên
Khai Trí sử dụng triết lý giáo dục thuận tự nhiên để giúp mọi người tự học.
Vì sao chúng tôi phải đưa ra những triết lý này?
Bởi vì cộng đồng Khai Trí gồm rất nhiều các nhóm nhỏ, mỗi nhóm được dẫn dắt bởi một cá nhân hoặc tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau nên mỗi nhóm sẽ có một "phong cách" rất khác nhau tùy thuộc vào ngành nghề của họ. Sự khác biệt giữa các nhóm sẽ dẫn đến điều gì?
Hãy hình dung những người tự học như những kẻ du hành trên một dòng sông. Trên dòng sông ấy có nhiều con thuyền, mỗi con thuyền giống như một nhóm của Khai Trí, thuyền trưởng chính là người Mentor trưởng nhóm. Mặc dù con thuyền chỉ là phương tiện giúp họ đi nhanh hơn trên con đường tự học, nhưng ai cũng cho rằng chỉ có thuyền của mình mới đang đi đúng hướng, chỉ có phương tiện của mình là tốt nhất, rồi chê bai thuyền của người khác. Từ đó sinh ra mâu thuẫn giữa các nhóm với nhau, giống như mâu thuẫn giữa các tôn giáo triền miên trong lịch sử.
Để tránh những cuộc "thánh chiến" có thể xảy ra giữa các nhóm tại cộng đồng Khai Trí, chúng tôi cần đưa ra những TRIẾT LÝ HOẠT ĐỘNG CHUNG cho các nhóm bởi vì:
Thứ nhất, giúp cho các nhóm có chung một mục đích trên con đường tự học, tức là giúp cho các con thuyền đều hướng về biển cả mặc dù mỗi thuyền trưởng ra khơi ở một nhánh sông khác nhau.
Thứ nhì, giúp cho các nhóm có chung một triết lý hoạt động, nhờ đó mà giảm mâu thuẫn giữa các nhóm, và cho phép các thành viên dễ dàng chuyển sang một nhóm khác phù hợp hơn mà không bị "sốc văn hóa".
Thứ ba, giúp cho các nhóm chưa tìm ra triết lý hoạt động cho mình đỡ phải đi vay mượn những triết lý bên Tây bên Tàu vì nó vừa không phù hợp với con người xứ mình vừa không phù hợp với thời đại mới. Những triết lý này chỉ dựa trên bản tính tự nhiên của con người nên nó bất biến với không gian và thời gian.
Giáo dục thuận tự nhiên là gì?
MỤC TIÊU của Khai Trí là “giúp người Việt Nam tự học để thích nghi với thời đại biến đổi tăng tốc”.
Để thực hiện mục tiêu ấy, chúng tôi sử dụng Triết lý giáo dục thuận tự nhiên.
Giáo dục thuận tự nhiên là thuận theo bản tính tự nhiên của mỗi người mà khiến họ tự học, và thuận theo bản tính học hỏi tự nhiên của con người mà dạy. Tưởng như không dạy gì mà không có gì là không dạy. Triết lý vô-vi này cũng được các nhà hiền triết như Lão Tử và Trang Tử khuyên dùng từ hơn 2000 năm trước.
Ngược lại với vô-vi là những người có tư tưởng hữu-vi, họ luôn áp đặt ý muốn chủ quan của mình lên vạn vật. Để làm điều đó, họ đưa ra rất nhiều lề luật, phép tắc, lễ nghĩa và bắt mọi người phải tuân theo. Họ khiến sự vật chao đảo từ thái cực này sang thái cực khác mà ít khi giữ nó được ở trạng thái cân bằng. Kẻ tầm thường thì chạy trốn vấn đề, người thông minh thì giải quyết vấn đề, người kiệt xuất thì triệt tiêu vấn đề. Vì triệt tiêu vấn đề nên không cần phải làm gì cả, nên thiên hạ thấy họ không làm gì, mà không có gì là không làm. Đó là người có tư tưởng vô-vi.
Người vô-vi làm vua thì thiên hạ không biết mình đang được cai trị mà luôn trong cảnh thái bình; Người hữu-vi làm vua thì hết thưởng rồi lại phạt mà thiên hạ ngày càng loạn lạc thêm.
Người vô-vi làm tướng thì không để xảy ra chiến tranh; Người hữu-vi làm tướng thì ham ra trận để lập công khiến hao binh tổn sức.
Người vô-vi dạy học thì môn đồ không thấy thầy dạy gì mà không có gì là không dạy, không thấy thầy nói gì mà không có gì là không nói, vì thầy chỉ dựa vào bản tính tự nhiên của trò mà khiến họ tự học.
Ví như ông bà ta từ thời xa xưa đã biết dựa vào bản tính ham chơi của con trẻ mà dạy chúng biết tính nhẩm bằng trò ô ăn quan, dạy chúng biết phán đoán bằng trò trốn tìm, dạy chúng lòng can đảm bằng trò chơi trận giả. Các cụ cũng biết khéo léo “gói ghém” những điều hay lẽ phải vào trong những câu tục ngữ phong dao vô cùng bóng bẩy để có thể truyền miệng dễ dàng. Đó là cách giáo dục thuận tự nhiên mà chúng tôi chọn cho cộng đồng tự học Khai Trí.
Vì sao chúng tôi chọn triết lý giáo dục thuận tự nhiên?
Nếu bạn chỉ biết về những phương pháp giáo dục hiện đại của phương Tây thì bạn sẽ thấy vô cùng lạ lẫm về những triết lý giáo dục này của Khai Trí, còn nếu bạn đã từng đọc triết lý giáo dục của những triết gia cổ xưa như Lão Tử và Trang Tử thì bạn sẽ thấy những triết lý này rất quen thuộc.
Mặc dù sự phân định giữa phương Tây và phương Đông là không rạch ròi vì thời nay phương Đông đã bị tây-hóa còn phương Tây lại tìm về những triết lý cổ xưa của phương Đông, nhưng tôi xin phép được tạm gán óc nhị-nguyên cho người phương Tây và óc nhất-nguyên cho người phương Đông trong bài này.
Óc NHỊ-NGUYÊN của phương Tây theo đường lối HỮU-VI, tức là họ muốn tạo ra một "cỗ máy giáo dục hàng loạt" trong đó lấy thưởng - phạt làm động lực, lấy thi cử để đánh giá và phân loại. Một bộ máy giáo dục dùng PHÁP-TRỊ như vậy rất dễ quản lý với quy mô lớn, rất dễ sao chép đi khắp nơi, và nó ít phụ thuộc vào cái tài và cái tâm của người thầy, nhưng đổi lại nó chỉ có thể "sản xuất" nhân sự hàng loạt chứ không thể thuận theo bản tính của từng học trò mà dạy. Do đó, nó có mục đích "sản xuất" ra nhân sự đại trà cho thời đại công nghiệp, thời đại mà người ta xem mỗi người cũng chỉ như những "bánh răng vô hồn" trong một guồng máy sản xuất. Cả thế giới hiện đại đang sử dụng "cỗ máy giáo dục
hữu vi" này nên bạn sẽ rất lạ lẫm với "cỗ máy vô vi" bên dưới.
Ngược lại, óc NHẤT-NGUYÊN của phương Đông (cổ xưa) theo đường lối VÔ-VI, tức là họ thuận theo bản tính tự nhiên của mỗi người mà khiến họ tự học, và thuận theo bản tính học hỏi tự nhiên của con người mà dạy, nên gọi là giáo dục thuận tự nhiên. Nếu HỮU-VI lấy động lực bên ngoài là thưởng phạt thì VÔ-VI khơi gợi cái động lực bên trong của mỗi người. Nếu HỮU-VI "nghiền nát" cái bản ngã của mỗi người để "đúc" lại thành những con người giống hệt nhau thì VÔ-VI lại khơi gợi sở trường của mỗi người để dạy. Nếu HỮU-VI dùng pháp-trị thì VÔ-VI dùng nhân-trị. Một cỗ máy giáo dục nhân-trị phụ thuộc rất lớn vào cái tài và cái tâm của người thầy, nên rất khó sao chép đi xa vì rất khó quản lý với quy mô lớn. Do đó, bộ máy vô-vi này chỉ phù hợp để "sản xuất nhân sự thủ công" với số lượng rất nhỏ. Vì lý do đó mà những triết lý này chưa từng được một nền giáo dục quốc dân nào trên thế giới sử dụng để "sản xuất nhân sự hàng loạt", nên bạn ít khi được nghe đến nó.
Khai Trí không phải là một “cỗ máy giáo dục hàng loạt”, chúng tôi chỉ là một cộng đồng tự học rất nhỏ gồm những người đi trước dìu dắt những người đi sau, nên chọn triết lý giáo dục vô-vi thuận tự nhiên làm quy tắc chung để hoạt động.
Muốn giải thích cặn kẽ về những triết lý này có lẽ phải cần đến vài pho sách, nhưng để không làm mất thời gian của bạn đọc, tôi chỉ xin trình bày vắn tắt theo lối "ý tại ngôn ngoại" của người phương Đông nên phần này chỉ dành cho những ai đã suy tư khá nhiều về giáo dục. Lối giải thích kiệm lời này có một cái lợi là nó sẽ dồn ý-thức của bạn vào đường CÙNG, từ đó mới có những BIẾN đổi lớn đả THÔNG tư tưởng, nên phương đông mới có câu CÙNG TẮC BIẾN, BIẾN TẮC THÔNG.
Chân-truyền
Có những thứ mà bạn không thể tự học ở nhà, cũng không thể học trong các trường đào tạo đại trà, ví dụ như: đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng thực hành, óc tế nhị, óc tinh tế.
Những thứ đó chỉ có thể học theo lối dạy “CHÂN-TRUYỀN”, tức là người đệ tử được học trực tiếp từ người sư phụ.
Đó chính là lối dạy theo từng nhóm nhỏ tại Khai Trí, người Mentor chính là sư phụ của mỗi nhóm.
Thực ra lối dạy chân truyền này đã có từ ngàn xưa và tồn tại trong hàng ngàn năm tại các nước Á-Đông như cách Khổng Tử dạy các môn đồ. Mãi cho đến khi người Pháp mang mô hình giáo dục đại trà vào Việt Nam thì cách nay hơn một thế kỷ thì lối dạy chân truyền mới dần bị mai một đi.
Giáo dục đại trà theo mô hình pháp-trị, tức là tạo ra một bộ khung đào tạo bắt buộc mọi giáo viên và học sinh phải làm theo như một cái máy. Cách này dễ quản lý, dễ nhân rộng đi khắp nơi, và đào tạo được số lượng lớn với “sản phẩm đầu ra” được phân loại rõ ràng. Kiểu giáo dục đại trà chỉ phù hợp để tạo ra một lực lượng lao động lớn cho xã hội nên nó phù hợp với thời đại công nghiệp, khi mà người ta cần rất nhiều công nhân cho các nhà máy và công xưởng.
Còn giáo dục chân truyền theo mô hình nhân-trị, tức là phụ thuộc chủ yếu vào tài đức của người thầy nên khó quản lý, khó mở rộng quy mô, và đào tạo được số lượng ít ỏi. Tuy nhiên cách này lại khơi gợi được sở trường của từng học trò, và mỗi học trò đều học được cái ĐỨC và cái TRÍ trực tiếp từ người thầy. Những kỹ thuật điêu luyện và các môn phái cao siêu đều được truyền dạy theo lối chân-truyền này. Trong thời đại công nghệ, chúng ta cần một lượng rất ít những người tinh hoa để làm những công việc mà robot không thể thay thế được, chúng tôi tin rằng những người tinh hoa này chỉ có thể đào tạo theo lối chân-truyền. Đó là lý do chúng tôi chọn mô hình TRUYỀN NGHỀ CHÂN TRUYỀN cho cộng đồng tự học Khai Trí.
Tại Khai Trí, mỗi Mentor có thể tự chiêu mộ đệ tử (Mentee) để lập một nhóm tự học riêng của mình. Mỗi nhóm cần có một mục tiêu (WHY), cách thức hoạt động (HOW), và các hoạt động cụ thể (WHAT). Những điều này được nêu rõ trong phần giới thiệu về nhóm tại mạng xã hội KhaiTri.net. Mỗi nhóm có quyền tự quyết định mọi hoạt động của mình, miễn sao không nằm ngoài mục tiêu là giúp mọi người tự học để thích nghi.
Mentee cần chọn một nhóm phù hợp để xin Mentor gia nhập. Mentor có quyền tiếp nhận một thành viên vào nhóm hoặc khai trừ họ ra khỏi nhóm. Mentee cũng có quyền xin ra khỏi nhóm hoặc chuyển sang một nhóm khác.
Tóm lại, mặc dù vẫn có những lớp đại trà để dạy những kiến thức chung, nhưng các nhóm tự học tại Khai Trí hoạt động theo lối chân-truyền. Đây là điểm khác biệt của chúng tôi so với các mô hình đào tạo đại trà khác.
Va chạm với nhiều tư tưởng khác
Vì sao người tự học cần va chạm với các tư tưởng khác?
Bởi vì người tự học thường có thói tự phụ, tự tôn, chủ quan, hẹp hòi, cố chấp, đôi khi lại mặc cảm tự ti. Để tránh những thói đó chỉ có cách thường xuyên giao lưu với những người khác, tức là để cho tư tưởng của mình được “va chạm” với những tư tưởng khác.
Người tự học mà không biết “va chạm” với những tư tưởng khác thì suy nghĩ nông cạn như một cái ao tù, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung. Từ cổ chí kim, những thời sinh ra nhiều nhà triết học đều là thời mà các phe phái tranh đấu với nhau quyết liệt. Có lẽ vì thế mà Lão Tử và Khổng Tử đều sinh ra trong thời Xuân thu - chiến quốc. Từ đông sang tây, những nơi mà triết học và khoa học phát triển đều là những vùng có sự giao thương giữa các nền văn hóa. Những vĩ nhân có nhãn quan sâu rộng đều là những người đọc nhiều, đi xa và biết rộng.
Một người chỉ biết ở nhà ôm sách tự học thì chẳng khác nào một ông thầy bói mù sờ voi. Người sờ phải chân thì bảo voi như cái cột nhà, kẻ sờ trúng tai lại bảo voi như cái quạt, vì sự thật thì luôn có muôn hình muôn vẻ mà con người lại hay đeo những cặp kính màu của thành kiến để nhìn mọi thứ, chẳng trách họ không thể nhìn ra bản chân của sự vật như nó vốn là. Nếu muốn biết toàn bộ sự thật về con voi chỉ có cách mời các ông thầy bói mù đó lại để họ tranh biện với nhau. Đó là lý do chúng tôi luôn hỏi nhiều người khác nhau về cùng một vấn đề, và thường xuyên tổ chức các buổi tranh biện để tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó.
Tranh biện là cách tốt nhất để va chạm với nhiều tư tưởng khác, điều đó rất phổ biến ở phương Tây nhưng lại bị né tránh ở các nước bị ảnh hưởng bởi Khổng giáo. Bởi vì các “thánh nhân” của phương Đông khi dạy học trò có cho họ tranh biện đâu, lời của thầy thì luôn đúng. Suốt mấy ngàn năm học trò Việt Nam chỉ gối đầu giường bằng một bộ “sách giáo khoa” duy nhất là Tứ Thư và Ngũ Kinh. Nhiệm vụ của người học chỉ là cố mà hiểu những chân lý trong đó, chứ không phải tranh biện để tìm ra cái sai trong đó. Chúng ta được dạy để nhìn vấn đề qua một lăng kính duy nhất và nghĩ rằng chỉ có lăng kính của mình mới nhìn được sự thật. Do đó, những học viên mới vào Khai Trí sẽ không được tham gia tranh biện vì khi sự học của họ chưa đủ rộng và chưa biết cách tranh biện thì rất dễ gây mâu thuẫn với người khác.
Để làm phong phú tư tưởng của mình, bạn cũng nên lân la với những người có nhân sinh quan khác với ta. Khi đọc sách cũng nên chọn những sách có tư tưởng nghịch lại với ta. Kẻ đồng chí với ta là bạn ta, mà kẻ thù của ta thường là “thầy” của ta. Bởi thế nên Jules Lemaire mới bảo: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đứa không đồng ý với tôi”.
Những người trẻ thì nên học hỏi ở những người già, vì họ từng trải, điềm tĩnh, và không có gì để lừa dối ta. Còn những người già cũng nên gần gũi với thanh niên để khỏi bị tê liệt tinh thần vì họ sôi nổi và nhiệt huyết. Sự va chạm giữa hai thế hệ vừa kích thích tư tưởng của nhau vừa bổ khuyết cho nhau được cân bằng.
Cụ Nguyễn Duy Cần còn dặn ta rằng: “cũng nên cố gắng mà trả lời một cách thành thật và đứng đắn những câu hỏi đột ngột của trẻ thơ. Con trẻ thường giữ được sự thán thưởng tự nhiên: đối với chúng thảy đều là những hiện trạng bất thường… Chúng thường có những câu hỏi bất ngờ nhưng đầy ý vị sâu xa, mà phần đông người lớn không sao trả lời cho xuôi được. Nhưng thường lại là những câu hỏi đầy ý nghĩa của triết học nếu ta biết để ý đến. Đừng bỏ qua mà la rầy đàn áp chúng như chúng ta thường có thói quen khinh thường chúng.
Có đứa trẻ nọ hỏi cha nó: “Tại sao Trời không giết những loài ma quỷ hại người, thì làm sao người ta còn phải khổ nữa?” Phải chăng là một câu hỏi thuộc về triết lý, một câu hỏi thuộc về vấn đề Thiện ác?”. Ngẫm cũng thấy đúng.
Tóm lại, nếu bạn đã là thành viên của Cộng đồng Khai Trí thì nên tham gia vào các cuộc tranh biện (online và offline) để cho tư tưởng của mình được “va chạm” với những tư tưởng khác. Đó là một cách rất tốt để mở mang trí tuệ, cũng như có thêm những người thầy giỏi và những người bạn tốt.
Liên minh
Người tự học ở Việt Nam có một nhược điểm cố hữu mà có thể nó sẽ khiến họ không thể thành công cho dù có nỗ lực bao nhiêu đi nữa, đó là họ không biết cách liên minh với nhau để gia tăng sức mạnh.
Vì sao trước đây người ta không cần học cách liên minh nhưng bây giờ liên minh là một kỹ năng thiết yếu để sinh tồn? Bởi vì trước đây mỗi người chỉ sống trong những ngôi làng nhỏ và làm những công việc nhỏ nên họ có thể làm được một mình. Còn trong thời đại toàn cầu hóa bởi thế giới phẳng, “ngôi làng” đó có đến bảy tỉ người và những công việc không còn độc lập với nhau nữa. Trong khi đó, bạn lại không nên tạo ra một công ty quá to vì nó sẽ thiếu linh hoạt với sự biến động, mà bạn nên tinh gọn công ty càng nhỏ càng tốt. Để công ty nhỏ của bạn làm được những dự án to thì bắt buộc bạn phải liên minh với những công ty khác.
“Vì sao trong thời đại mà mọi thứ biến đổi siêu tốc thì LIÊN MINH là điều bắt buộc để tồn tại?” Bởi vì, Khi môi trường ổn định, loài nào càng to thì càng có lợi thế, nhưng khi môi trường biến đổi, loài nào càng to càng dễ bị diệt vong vì cơ thể chúng thích nghi không kịp. Khi đó, những loài nhỏ có CẤU TRÚC LIÊN MINH như loài kiến sẽ thích nghi tốt nhất vì cấu trúc đó có thể thiên biến vạn hóa để phù hợp với môi trường mới.
Bởi vậy nên khi công nghệ làm thế giới biến đổi siêu tốc đã khiến hàng loạt “gã khổng lồ” bán lẻ truyền thống bị tấn công đến gục ngã bởi những “liên minh bán lẻ” như Amazon, Abibaba, Taobao; hàng loạt “gã khổng lồ” taxi truyền thống bị bóp chết bởi nhưng “liên minh taxi” như Uber, Grab. Chưa kể những tập đoàn lớn đang phải “tự rã” ra thành một liên minh những công ty con và để cho chúng tự sinh tồn theo luật đào thải tự nhiên. Do đó, trong thời đại biến đổi siêu tốc này, liên minh là một thứ tối cần thiết phải tự học.
Đã có rất nhiều sách viết về làm việc nhóm, trong trường lớp cũng bắt đầu dạy sinh viên cách hợp tác, nhưng vì sao tinh thần liên minh của người Việt Nam vẫn yếu vậy?
Bởi vì với người Việt Nam, sự liên minh chỉ sẵn có với những người trong dòng tộc thôi. Thực ra chúng ta xem mỗi họ tộc là một tôn giáo riêng, tộc trưởng chính là vị giáo chủ, lễ đón dâu và lễ nhận con nuôi là những lễ kết nạp thành viên mới vào “tôn giáo” của mình. Chỉ khi bị xâm lược thì những bộ tộc của người Việt mới phải liên minh với nhau để đuổi giặc ngoại xâm và hình thành nên đất nước được cai quản bởi một vị vua. Vị vua này thường là thủ lĩnh của bộ tộc mạnh nhất và thường bị cướp ngôi bởi những tộc trưởng khác. Vì vậy, các vị vua khi cai trị luôn tìm cách phá hoại sự liên minh giữa các bộ tộc bằng nhiều thủ đoạn chính trị khác nhau. Kể cả khi nước ta bị đô hộ bởi giặc Tàu và bị cai trị bởi giặc Tây thì chúng cũng tìm cách gây chia rẽ hòng làm suy yếu sức mạnh liên minh của ta. Chính chúng ta cũng làm tự suy yếu khả năng đoàn kết của mình bằng nền giáo dục thi cử đầy cạnh tranh. Cuối cùng, khả năng liên minh của người Việt bị tàn phá qua mấy ngàn năm nên nó vô cùng yếu ớt. Chỉ khi bị đạp xuống tận đáy bùn chúng ta mới cùng nhau quật khởi vùng lên để giành lại tự do, còn lúc hòa bình thì tan tác như một bầy chim sẻ.
Sở dĩ những dân tộc nhỏ bé như người Do Thái cho đến những quốc gia lớn như Hoa Kỳ có được tinh thần liên minh hùng mạnh bởi vì họ có chung một NIỀM TIN và MỤC TIÊU. Người Do Thái cùng tin vào Do Thái Giáo, còn người Hoa Kỳ cùng tin vào sự tự do dân chủ. Mà nhìn ra khắp địa cầu ta cũng thấy rằng hễ dân tộc nào có chung một niềm tin mãnh liệt hoặc chung một tôn giáo thì dân tộc đó dễ liên minh với nhau hơn.
Điều này cũng đúng với cả những tổ chức phi lợi nhuận như các nhóm tự học của Khai Trí. Mentor cần đưa ra một MỤC TIÊU và NIỀM TIN (WHY) cho nhóm của mình để “thống nhất nhân tâm”, để chiêu mộ những người phù hợp, và để giới thiệu ngắn gọn với mọi người. Cách để thực hiện niềm tin đó gọi là TRIẾT LÝ HOẠT ĐỘNG của nhóm (HOW), khi triết lý này được “tiêm” vào máu của mỗi thành viên sẽ hình thành nên một phong cách
riêng của nhóm đó gọi là VĂN HÓA CỦA NHÓM. Từ hai điều đó, mọi người trong nhóm cùng bàn bạc để tổ chức các hoạt động phù hợp nhất (WHAT). Chính MỤC TIÊU, VĂN HÓA và CÁC HOẠT ĐỘNG sẽ tạo thành một sợi dây gắn kết cả nhóm lại với nhau thành một khối thống nhất. Điều đó gọi là liên minh.
Ví dụ, cộng đồng Khai Trí có MỤC TIÊU là “giúp mọi người tự học để thích nghi với thời đại biến đổi tăng tốc”. Chúng tôi TIN RẰNG: “Khi thế giới bị biến đổi nhanh chóng bởi khí hậu, toàn cầu hóa và công nghệ, thì mô hình giáo dục "học một lần dùng cả đời" (One-time learning) sẽ bị thay thế bởi mô hình giáo dục "học suốt đời" (Lifelong learning)", và SỨ MỆNH của chúng tôi là "giúp mọi người chuyển đổi từ mô hình giáo dục cũ sang mô hình giáo dục mới".
Với doanh nghiệp hoặc với các tôn giáo, đảng phái cũng cần phải có cái WHY, HOW, WHAT của riêng mình như vậy. Những doanh nghiệp mà có “cái hồn” của một tôn giáo thì khách hàng sẽ trung thành với họ như những tín đồ, đó là bí quyết của những thương hiệu thành công vượt trội như Apple.
Muốn liên minh với những người lạ, ngoài niềm tin ra bạn cần phải có khả năng thương thuyết và tranh biện, lại toàn là “tử huyệt” của người Việt Nam. Cha ông dặn ta “một sự nhịn là chín sự lành”, chẳng trách ta không biết tranh biện. Nước ta cũng không phải là nơi giao thương tấp nập nên ta cũng chẳng biết thương thuyết. Cho nên, nếu bạn không có sẵn sở trường ăn nói thì cần phải tôi luyện rất nhiều hai kỹ năng này. Xin lưu ý đó là kỹ năng nên muốn luyện nó thì phải thực hành chứ không thể đọc sách được.
Vì vậy hoạt động chính của các thành viên Khai Trí khi gặp nhau đó là tranh biện tại quán cafe, tại công viên, tại sảnh trường và tại bất cứ đâu có thể. Tranh biện mà không biết cách thì rất dễ biến thành một cuộc cãi vã gây hiềm khích sâu sắc, nên chỉ những thành viên chính thức mới được mời tham gia vào các cuộc tranh biện tại Khai Trí.
Tóm lại, nếu bạn muốn sinh tồn trong thời đại tới thì cần phải học cách liên minh. Tham gia vào cộng đồng khai trí là một cách rất tốt để liên minh với những người có chung niềm tin và chung tư tưởng với bạn. Chỉ khi có chung niềm tin và mục tiêu thì sự liên minh sẽ tự nhiên bền chặt.
Thể hiện
Bạn có nhất thiết cần thể hiện bản thân không? Theo tôi thì không nhất thiết. Nếu bạn vẫn đạt được mục tiêu của mình mà không cần thể hiện thì đó là cách tốt nhất. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, bạn cần phải thể hiện thì mới đạt được mục tiêu của mình.
Ngay cả các loài hoa, nếu không “thể hiện” bằng màu sắc sặc sỡ và hương thơm quyến rũ thì có thu hút được ong bướm đến thụ phấn giúp không? Làm sao bạn bán được hàng nếu không marketing? Làm sao bạn xin được việc nếu không thể hiện năng lực của mình? Làm sao bạn chiêu mộ được nhân tài nếu không thể hiện được tầm nhìn và hoài bão? Làm sao bạn có được một mạng lưới các mối quan hệ nếu không thể hiện sự chân thành? Bạn thấy đấy, đến sự chân thành cũng cần phải thể hiện thì người khác mới biết được.
Thể hiện bằng cách nào?
Ngày nay người ta thường biết đến một người qua các bài viết, hình ảnh, hoặc video trên internet. Vì vậy bạn có 3 cách thể hiện online:
Cách thứ nhất, cũng là cách dễ nhất, đó là VIẾT một điều gì đó. Nếu bạn là thành viên của Khai Trí thì có thể đăng bài viết lên tài khoản của mình trên mạng xã hội KhaiTri.net, những bài viết hay sẽ được chúng tôi chia sẻ lên Fanpage và gửi cho các thành viên khác trong cộng đồng.
Cách thứ nhì, khó hơn một chút, đó là NÓI một điều gì đó. Nếu bạn cảm thấy khó nói một mình trước máy quay thì chúng tôi sẽ phỏng vấn (thường là online) bạn để bạn chia sẻ dễ hơn.
Cách thứ ba, khó nhất, đó là LÀM một điều gì đó. Có thể bạn làm một hoạt động xã hội, một dự án cộng đồng, một dự án khởi nghiệp… miễn là bạn đang làm một điều gì đó hữu ích thì hãy cho chúng tôi biết để chúng tôi có thể kể cho mọi người nghe về việc làm của bạn.
Mục tiêu của Khai Trí là “giúp mọi người tự học để thích nghi với sự biến động bằng cách kể những câu chuyện thành bại của mọi người". Cho nên, nếu bạn có một điều gì đó muốn chia sẻ để giúp mọi người tự học để thích nghi thì hãy kể điều đó lên Khai Trí.
Đó là 3 cách thể hiện trên thế giới ảo online, dù sao thì nó cũng không lột tả được hết về con người của bạn. Bởi vậy, sau khi người ta đã ấn tượng với bạn rồi, họ sẽ muốn gặp mặt bạn.
Vậy cách thể hiện khi gặp mặt là như thế nào?
Xin thưa, cách thể hiện khi gặp mặt là không thể hiện gì hết! Hãy đọc phần “quý gỗ hơn quý nước sơn” để hiểu vì sao tôi lại nói vậy. Hãy để ý rằng người đẹp thực sự như chị gái Dương Quý Phi thì không cần trang điểm khi gặp vua; cá tươi thì không cần ướp gia vị; gỗ tốt thì không cần phun tẩm màu; còn cao nhân thì luôn giản dị, khiêm nhường và không bao giờ cố thể hiện một điều gì cả. Những cuốn sách dạy kỹ năng ăn nói và thể hiện chỉ khiến bạn sống giả tạo hơn và che mắt được hạng phàm nhân thôi, còn khi bạn đang ngồi đối diện với “cao nhân” thì tất cả nội lực của bạn đều bộc lộ qua ánh mắt, và họ giao tiếp với bạn bằng ý nghĩ chứ không phải bằng lời.
Tóm lại, sau một thời gian "luyện công" trong ẩn dật, khi "xuất sơn" bạn cần một chỗ để thể hiện tài năng với "giang hồ". Tuy nhiên cần phải thật khiêm tốn và điềm đạm thì việc thể hiện mới không bị phản tác dụng.
Tự chủ
Vì sao người tự học cần phải biết tự chủ?
Tự học là tự làm chủ việc học của mình, muốn tự học thì phải biết tự chủ đã. Tự chủ là biết làm chủ vấn đề của mình, là biết tự suy nghĩ, tự định hướng, tự ra quyết định, và tự mình thực hiện quyết định đó tới cùng mà không bị chi phối bởi những cám dỗ khác.
Tự học cần nhiều thời gian và một nội tâm tĩnh lặng. Người không biết tự chủ sẽ dễ bị lôi cuốn vào những chuyện vô bổ, vừa gây mất thời gian vừa khiến tinh thần tản mác. Trong thời đại số, các nhà độc tài số (như Facebook), các nhà quảng cáo, các Youtuber luôn tìm mọi cách để “vắt dữ liệu” của bạn và đánh cắp thời gian của bạn, cho nên chưa có thời đại nào mà sự tự chủ lại quan trọng trong sự thành công như thời đại này.
Tự chủ giúp ta điều gì?
Bạn không thể tự học nếu như bạn không xem việc học là của chính bạn. Chỉ khi bạn có cảm giác “được sở hữu” việc học của mình thì bạn mới tập trung tinh thần cho nó, bạn nuôi những giấc mơ dài hạn hơn là đối phó những kỳ thi ngắn hạn, bạn tập trung xây dựng chiến lược hơn là tìm những thủ thuật để đối phó. Những người đang “học giùm” bố mẹ và thầy cô thì không thể có được cảm giác tự chủ này nên họ chỉ biết tìm cách đối phó và gian lận. Người ta thường không tu sửa những căn nhà ở trọ, và cũng chẳng ai bảo dưỡng một chiếc xe đi thuê cả.
Người tự chủ sẽ biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình và không bao giờ đổ lỗi cho người khác. Đó là một biểu hiện của sự trưởng thành và là tố chất cơ bản để tạo nên một nhà lãnh đạo xuất chúng.
Khai trí khuyến khích tự chủ như thế nào?
Chúng tôi trao quyền tự chủ cho các Mentor, cho các nhóm, và cho các thành viên.
Các Mentor có quyền tự đặt ra mục tiêu cho nhóm của mình và tự tìm cách thực hiện mục tiêu đó. Họ cũng có quyền kết nạp thành viên vào nhóm của mình và khai trừ thành viên ra khỏi nhóm. Mỗi nhóm có một tên riêng và tự xây dựng thương hiệu cho nhóm của mình.
Mặc dù được sự trợ giúp của các Mentor nhưng mỗi Mentee cần tự xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và tự vẽ ra lộ trình cho việc tự học của mình. Họ tự chọn một nhóm phù hợp để tham gia và tự quyết định chuyển sang một nhóm khác. Họ tự chọn các khóa học, tự chọn một công ty, hoặc tự chọn dự án khởi nghiệp cho mình.
Tóm lại, bước đầu tiên trên con đường tự học đó là học cách tự chủ. Nếu không biết tự chủ thì bạn chỉ là "kẻ làm thuê" cho số phận của mình.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Vì sao người tự học cần phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”?
Những người tự học thành công thường kiên định với một mục tiêu (WHY), nhưng luôn tìm cách cải tiến phương pháp (HOW) và công cụ (WHAT) của mình, tức là họ biết "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Ngược lại, những người thất bại thường chỉ biết dùng một phương pháp và một số công cụ lỗi thời, nhưng lại luôn thay đổi mục tiêu theo những trào lưu của thời đại.
“Ứng bất biến dĩ vạn biến” là biết KIÊN ĐỊNH với một mục tiêu (WHY), biết CHỌN LỰA một phương pháp (HOW) phù hợp, và biết LUÔN THAY ĐỔI công cụ (WHAT) tốt nhất. Chỉ có mục tiêu là bất biến không đổi, còn phương pháp và công cụ thì cần thay đổi linh hoạt mới thực hiện được mục tiêu ấy hiệu quả nhất. Người không chịu thay đổi phương pháp và cải tiến công cụ thì gọi là người bảo thủ; Còn kẻ luôn thay đổi mục tiêu thì bị xem là không có lập trường.
Năm 1946 khi Bác Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng hãy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chắc là Bác muốn nói chỉ có độc lập dân tộc là bất biến thôi, còn mọi việc cứ linh hoạt xử lý tùy theo hoàn cảnh.
Mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp ra đời để thực hiện một sứ mệnh nào đó (WHY), đây là điều bất biến. Họ sẽ chọn một triết lý để hoạt động (HOW), triết lý này hiếm khi thay đổi. Tùy vào hoàn cảnh mà họ sẽ dùng những công cụ hoặc tạo ra những sản phẩm khác nhau (WHAT) để thực hiện được sứ mệnh đó. Ví dụ, Khai Trí nhận thấy rằng sắp tới có một điều chưa từng xảy ra là mọi thứ sẽ biến đổi tăng tốc khiến hầu hết mọi người không thích nghi kịp, vì vậy nên sứ mệnh của Khai Trí là “giúp mọi người thích nghi với sự biến đổi tăng tốc bằng cách tự học suốt đời” (WHY). Chúng tôi dùng triết lý giáo dục thuận tự nhiên (HOW) để giúp mọi người tự học. Gần đây chúng tôi đã tạo ra được một mạng xã hội KhaiTri.net và một vài nhóm tự học để thực hiện điều này (WHAT). Nếu bạn cũng tin tưởng vào những điều trên, hãy tham gia cùng chúng tôi để thực hiện nó.
Giống như doanh nghiệp, người tự học cũng cần phải tìm cho mình một mục tiêu cuộc đời (WHY), đây là điều bất biến. Rồi họ cần chọn một phương pháp nào đó phù hợp để tự học (HOW), và tìm một nhóm tự học nào đó để tham gia vào. Mỗi nhóm sẽ có những công cụ và phương tiện (WHAT) để giúp việc tự học của bạn tiến bộ nhanh hơn.
Khi tự học một ngành nghề nào đó, bạn cần phải hỏi Mentor để tìm ra cái sứ mệnh của ngành đó (WHY), đây chính là cái mục tiêu bất biến khi tự học. Ví dụ, sứ mệnh của ngành giáo dục không phải là dạy trẻ con kiến thức mà là giúp trẻ con bước vào đời; sứ mệnh của ngành y không phải là chữa bệnh mà là giúp người khác được khỏe mạnh; sứ mệnh của ngành xây dựng không phải là xây nhà mà là giúp người khác có một chỗ ở tốt hơn. Việc thay đổi cách nhìn như vậy sẽ giúp bạn thấy thêm hàng trăm công việc cần làm.
Rồi bạn phải tự tìm hiểu lịch sử phát triển của ngành đó xem khi trải qua các thời đại khác nhau thì người ta đã thay đổi phương cách thực hiện (HOW) và cải tiến các công cụ (WHAT) như thế nào. Ví dụ, tôi thấy rằng, với ngành giáo dục Việt Nam, thời phong kiến người ta dùng triết lý của Nho giáo nhằm tạo ra những người quân tử để làm quan; thời thực dân người ta dùng mô hình giáo dục One-time learning (học một lần dùng cả đời) để dạy kiến thức khoa học nhằm “đúc” mỗi người thành một “bánh răng
nhân sự" trong những guồng máy quản lý. Tuy nhiên, nhân loại đã bước sang thời đại công nghệ thông tin được vài thập kỷ rồi, thế giới đang biến đổi nhanh chóng, và chúng tôi nhận ra mô hình "học một lần dùng cả đời" không còn phù hợp nữa nên mới sử dụng mô hình "học suốt đời" để giúp mọi người tự học trong thời đại này.
Khi bạn đã tự mình viết lại lịch sử phát triển của ngành mà mình theo đuổi bằng cách ấy, bạn sẽ thấy một phương pháp hoặc một công cụ nào đó đã lỗi thời nhưng chưa ai thay thế. Nếu bạn quyết định sẽ chế tạo ra một “công cụ mới” để thay thế tức là bạn đang khởi nghiệp rồi đó, và cuộc khởi nghiệp ấy rất dễ thành công vì nó thuận với THIÊN THỜI.
Khi tự học một lĩnh vực mới, trước tiên bạn nên tập trung vào những cái bất biến trong lĩnh vực ấy, đó chính là những nguyên lý nền tảng, những kỹ năng cốt lõi, và những khái niệm cơ bản nhất. Chỉ cần nắm vững những điều này thì bạn có thể tự học bất cứ thứ gì cao siêu trong ngành đó mà không sợ bị “mất gốc”. Môn học nền tảng nhất trong tất cả các môn là môn triết học, người tự học muốn tiến xa thì nên học môn này trước tiên.
Tóm lại, tự học giống như một khu rừng rậm, muốn băng qua khu rừng ấy thì bạn cần phải tự vẽ ra một cái bản đồ. Cách tư duy theo "dĩ bất biến, ứng vạn biến" (WHY - HOW - WHAT) giúp bạn vạch ra được tấm bản đồ ấy dễ dàng hơn.
Thuận theo sở trường
Vì sao nên tự học những thứ mà bạn có sở trường?
Tôi để ý thấy lý do thành công của những người tự học thì không giống nhau, nhưng lý do thất bại của những người tự học thì hình như đều có một điểm chung: đó là họ chọn những lĩnh vực không hợp với sở trường của mình, cho nên họ chậm tiến, họ chán nản, và bỏ cuộc.
Phần lớn mọi người thích học những ngành “hot”, học theo trào lưu, theo lời khuyên của người khác mà ít ai chịu hỏi chính bản thân mình có phù hợp với nó không. Chúng ta biết rằng không thể dạy cá leo cây và dạy khỉ biết lặn, vậy mà chúng ta lại đang làm điều đó với chính mình.
Ngày xa xưa, có thời vì thiếu trâu cày nên những người nông dân bắt cả chó, mèo và chim đi học cày ruộng. Do không chịu nổi cực khổ nên chúng đều chết thảm trên cánh đồng. Không còn chim nên sâu ăn hết lá lúa, không còn mèo nên chuột ăn hết hạt lúa, không còn chó giữ nhà nên trộm cắp hoành hành khắp nơi. Hệ sinh thái bị mất cân bằng và sụp đổ, còn người nông dân suýt bị chết đói vì mất mùa. Sau thời đó người ta mới biết để chó giữ nhà, để mèo bắt chuột và để chim ăn sâu thuận theo tự nhiên.
Nếu mỗi người không “ngồi đúng chỗ của mình" thì HỆ SINH THÁI NHÂN SỰ cũng sẽ mất cân bằng và sụp đổ như trong câu chuyện trên.
Vì mỗi người có một sở trường khác nhau nên họ sẽ tự học theo cách của riêng mình. Các Mentor không nên áp đặt một cách tự học chung cho tất cả mọi người trong nhóm.
Vậy Mentor nên làm gì?
Mentor nên chỉ ra những quy luật cơ bản nhất, những kỹ năng cốt lõi nhất, và những khái niệm nền tảng nhất trong lĩnh vực của nhóm. Sau đó họ nên giúp các Mentee tránh bị lôi cuốn vào học những điều cao siêu, mà nên kiên trì luyện tập những điều cơ bản nhất cho đến khi thành thục. (vui lòng xem bài “CỐT là cái LÕI”, và bài “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”).
Mentor nên giúp mỗi Mentee tự chọn cho mình mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn, và tự vạch ra lộ trình tự học để đạt được các mục tiêu ấy. Để làm điều ấy, Mentor nên dựa vào những biến động sắp tới trong ngành (THIÊN THỜI), kết hợp với những lợi thế của mỗi Mentee (ĐỊA LỢI) và sở trường của họ (NHÂN HÒA). (Vui lòng xem bài "Muốn tự học cần phải có mục tiêu rõ ràng")
Mentor cũng nên giao cho mỗi Mentee những nhiệm vụ phù hợp với sở trường và mục tiêu của họ. Độ khó của mỗi nhiệm vụ nên tăng dần một cách đều đặn sau mỗi dự án.
Mentee thì nên tham khảo cách tự học của nhiều người và không ngừng thử nhiều cách tự học khác nhau để tìm cho mình một cách tự học phù hợp nhất. Quá trình này không những giúp bạn tự học hiệu quả hơn, mà nó còn giúp bạn tự khám phá ra những “bí ẩn sâu thẳm” của bản thân. Socrate cho rằng: “biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan”. Để giúp bạn tiến nhanh hơn, chúng tôi có tạo ra những bài trắc nghiệm trực tuyến giúp bạn khám phá bản thân trên trang ChonNghe.net.
Có thể mỗi lĩnh vực, mỗi môn lại có một cách tự học khác nhau. Ví dụ, những môn thiên về trí tuệ thì phù hợp với người có ngộ-tính cao và sống hướng nội; những môn thiên về hoạt động cơ bắp thì phù hợp với người có thể lực tốt và sống hướng ngoại; những môn thiên về nghệ thuật thì phù hợp với người giàu cảm xúc. Cần chọn cho mình những môn phù hợp với sở trường của bản thân. Nếu bạn chưa biết sở trường của mình là gì thì hãy cứ thử những môn mà bạn thấy thích.
Tôi thấy những người tự học thành công thì luôn kiên định với một mục tiêu nhưng biết linh hoạt chọn những cách học khác nhau cho các môn khác nhau, và luôn thay đổi những công cụ tân tiến nhất cho việc tự học của mình, miễn sao họ cảm thấy hứng thú trong khi tự học. Bởi thế nên Khổng Tử mới nói trong Luận Ngữ: “Biết mà học, không bằng thích mà học; thích mà học không bằng say mê mà học.”
Còn tác giả của cuốn Tôi Tự Học - Nguyễn Duy Cần - cho rằng: “Học cũng như ăn. Tuy là cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng không phải món ăn nào cũng hợp cho tất cả mọi người. Có kẻ ăn mau tiêu, có người ăn lâu tiêu: sức tiêu hóa của mỗi người mỗi khác. Lớn ăn khác, nhỏ ăn khác; mạnh ăn khác, đau ăn khác; ở xứ nóng khác, ở xứ lạnh ăn khác. Có phương pháp học, lợi cho người này, nhưng không lợi cho người kia. Ai đã từng đi dạy học đều biết rằng phương pháp dạy phải tùy từng cá nhân mà áp dụng. Nhà giáo dục phải như người trồng cây. Cho nên người Tây phương đã dùng chữ “culture” để chỉ về văn hóa. Mỗi loại cây đều có những nhu cầu khác nhau, cần sự chăm nom săn sóc khác nhau.”
Tóm lại, mỗi loài đều có vai trò nhất định trong hệ sinh thái tự nhiên, và mỗi người đều có vai trò nhất định trong hệ sinh thái nhân sự. Nếu mỗi người đều biết tự học theo sở trường của mình thì cả hệ sinh thái nhân sự sẽ luôn được cân bằng. Chỉ khi học những thứ mà mình có sở trường thì mới hứng thú, say mê, nên không bỏ cuộc.
Phải có mục tiêu rõ ràng
Nguyên nhân lớn nhất khiến người tự học bỏ buộc là vì họ không có mục tiêu rõ ràng, nên họ không có động lực, họ đi lang thang trong vô định và cuối cùng họ bỏ cuộc như một người chết khát giữa sa mạc hoang vu.
Vì sao khi ta không có mục tiêu thì cơ thể không sản sinh ra năng lượng? Cơ thể chúng ta thông minh đến mức nó sẽ không tiêu tốn năng lượng cho những hoạt động mà nó cho là vô ích. Nếu bạn không có mục tiêu rõ ràng khi tự học thì cơ thể sẽ xem việc học là một chuyện vô ích nên nó sẽ không dồn năng lượng cho việc đó khiến bạn không thể tập trung học được.
Trước tiên, cần phải định ra một MỤC TIÊU XA, có thể nó xa như một ngôi sao trên trời giúp bạn không bị mất phương hướng khi lạc trong khu rừng kiến thức. Rồi từ đó vạch ra các MỤC TIÊU GẦN của mỗi giai đoạn. Nhờ đó bạn sẽ thấy mỗi chặng đường trở nên ngắn hơn và các mục tiêu gần trở nên rõ ràng hơn.
Để xác định mục tiêu, cần kết hợp giữa thiên-thời, địa-lợi, và nhân-hòa, tức là cần am hiểu về thời thế (thiên-thời), nắm rõ những thế mạnh của bản thân (địa-lợi), và cuối cùng - quan trọng nhất - là hiểu những ưu nhược của chính mình (nhân-hòa). Người trẻ thường chỉ biết chạy theo đam mê mà không biết nó có hợp với thiên-thời và địa-lợi hay không. Một kẻ ngày đêm "dệt mộng" cho một ước mơ không hợp thời thì sẽ bị thất vọng như một người thả diều khi trời lặng gió.
Nếu ai cũng biết định mục tiêu theo cách đó thì mỗi người sẽ có một mục tiêu khác nhau, và đó là điều mà nhà trường và xã hội không muốn. Vì sao vậy?
Bởi vì nếu để mỗi người có một mục tiêu riêng thì nhà trường không thể tổ chức những lớp học chung được. Vì vậy, họ phải “dập tắt” các mục tiêu riêng của mỗi đứa trẻ và thay bằng các mục tiêu chung, ví dụ như “vào đại học”, “tốt nghiệp bằng giỏi”, “có việc nhẹ lương cao”, “có nhà lầu xe hơi”, “được nghỉ hưu sớm”... và họ gọi tất cả điều đó là “HẠNH PHÚC”. Họ đã lừa dối trẻ con rằng hạnh phúc là theo đuổi những thứ bên ngoài như danh, lợi, tình, quyền trong khi hạnh phúc chỉ đơn giản là một cảm giác phát ra từ trong tâm khi bạn đạt được những MỤC TIÊU RIÊNG của mình (Vui lòng xem bài "Cách tự học những điều khoa học chưa giải thích được"). Đó là cách mà nền giáo dục đại trà đã “đánh tráo” các mục tiêu riêng của mỗi đứa trẻ bằng các mục tiêu chung nhằm dễ dàng “đúc” chúng thành những người giống hệt nhau để tạo ra lực lượng lao động cho xã hội. Và đó cũng là lý do mà chúng tôi không chọn triết lý của nền giáo dục đại trà cho Khai Trí vì chúng tôi không muốn "đánh cắp giấc mơ" của các em.
Một người tự học sáng suốt thì phải biết thoát khỏi những mục tiêu chung ấy mà tìm cho mình những mục tiêu riêng. Mục tiêu càng rõ ràng thì càng tốt, mục tiêu càng to thì động lực càng lớn, mục tiêu to nhất chính là MỤC TIÊU CUỘC ĐỜI, nên người ta mới nói rằng: "Cuộc đời chỉ có hai ngày quan trọng: ngày bạn được sinh ra và ngày bạn biết mình được sinh ra để làm gì". Người nào biết được ngày thứ hai tức là đã tìm thấy mục tiêu cuộc đời của mình rồi đó.
Khi đã tìm được mục tiêu rồi, làm sao để đạt được mục tiêu ấy?
Hãy hỏi NƯỚC.
Mục tiêu cuộc đời đối với mỗi người cần thiết như mặt trời đối với cây cỏ. Mục tiêu rõ ràng sẽ sản sinh ra một nguồn ĐỘNG LỰC TỰ THÂN vô hạn giúp chúng ta vừa kiên định vừa uyển chuyển như nước để đạt được mục tiêu ấy.
Một người không có mục tiêu cuộc đời giống một kẻ du hành trên sông mà không có đích đến. Đi cũng được, dừng cũng được, rẽ hướng nào cũng được; ai rủ cũng đi, ai mời cũng gật; chỗ nào đẹp thì dừng lại đôi tuần, chỗ nào vui thì ghé chơi vài tháng. Hết rượu chè rồi đến bài bạc, hết nghiện ngập rồi đến nợ nần. Dường như mọi điều xui xẻo cứ bám lấy họ như lũ ruồi nhặng thích vo ve quanh một gã ăn mày bẩn thỉu suốt ngày la ó. Vui hắn cũng la, khổ hắn cũng gào, nhưng chẳng ai thèm để ý.
Trong khi đó, một người kiên định với mục tiêu cuộc đời thì luôn thu hút đám đông bằng sự điềm tĩnh của nước lạnh. Chỗ bằng thì nước chảy chậm, chỗ dốc thì nước chảy nhanh, gặp đá cứng thì nước mềm mại rẽ qua, gặp cây khô thì nước ân cần mang vác. Dù chim có gọi, bướm có mời, hoa có lả lơi và ong cho mật ngọt, thì nước vẫn cần mẫn chảy để thực hiện được mục tiêu cuộc đời mình, đó là từ suối chảy ra sông, từ sông hòa vào biển cả.
Vì vậy, nếu một người không tìm lại được mục tiêu cuộc đời thì như một con thuyền không bến, như một chiếc xe không xăng. Họ không thể tự sản sinh ra một thứ nhiên liệu tối cần thiết cho việc tự học, đó là ĐỘNG LỰC TỰ THÂN để vận hành cỗ máy tự học của chính mình. "Nếu bạn không lên kế hoạch cho cuộc đời của mình thì sẽ bị rơi vào kế hoạch của người khác", Jim Rohn đã nói vậy, và tôi thấy rất chí lý!
Lấy động lực tự thân để tự học
Người tự học thì phải học bằng động lực tự thân giống như một chiếc xe thì phải chạy bằng động cơ của chính nó, chỉ khi hết xăng hoặc gặp vũng lầy thì mới phải nhờ "lực kéo" từ bên ngoài thôi.
Trong thời gian đầu, khi mà bạn chưa tìm được sự hứng thú trong việc tự học thì có thể nhờ những động lực bên ngoài như thi cử và bằng cấp, nhưng về lâu dài thì phải tự học bằng động lực từ bên trong của mình. Chỉ khi dùng động lực tự thân thì bạn mới tiến xa và vững chãi trên con đường tự học.
Làm sao để có động lực tự thân? Ngoài việc phải tích lũy một nghị lực kha khá và một ý chí hơn mức bình thường, thì bạn cần phải tìm được mục tiêu cuộc đời.
Mục tiêu cuộc đời là nguồn năng lượng lớn nhất để sinh ra động lực tự thân, nên người ta thường khuyên rằng: “Chẳng ai đánh thuế giấc mơ cả. Đằng nào cũng mơ, sao không mơ thật lớn?”. Tuy nhiên rất ít người tìm được mục tiêu cuộc đời vì ngay từ lúc còn bé chúng ta đã bị người ta dập tắt những mục tiêu thực sự này và thay vào đó những mục tiêu giả tạo như “được giấy khen”, “tốt nghiệp bằng giỏi”. Từ đó, chúng ta cũng đánh mất luôn động lực tự thân của mình nên phải học bằng những động lực bên ngoài như thi cử và thưởng phạt.
Những sự thưởng và phạt ấy giống như những liều thuốc phiện và roi mây đối với trẻ con. Khi người ta dùng roi quất vào mông chúng và dùng thuốc phiện dụ dỗ chúng suốt 17 năm trời, để chúng chịu “nuốt” vào những kiến thức khoa học khô khan và vô bổ, thì người ta đã vô tình giết chết cái động lực tự thân của chúng rồi. Mà thuốc phiện thì thường gây nghiện, nên những học sinh nào đã bị “nghiện” thứ “thuốc phiện của bằng cấp" rồi thì chỉ biết học để lên một cấp cao hơn chứ không biết mục đích của việc học là gì cả. Xã hội gọi họ là những con “mọt sách” còn tôi gọi họ là những “con nghiện bằng cấp”, là sản phẩm của chủ nghĩa bằng cấp trong thời đại "học một lần dùng cả đời" (One-time learning).
Khi thời đại "học một lần" bị thay thế bằng thời đại "học suốt đời" thì chủ nghĩa bằng cấp sẽ bị thay thế bằng chủ nghĩa năng lực. Năng lực của mỗi người cũng không còn là khả năng ghi nhớ kiến thức nữa, mà sẽ là khả năng tự học để giải quyết những vấn đề mới. Bởi vì khi tự học thì không có thưởng phạt và thi cử nên nếu ai không có động lực tự thân thì không thể tự học suốt đời được. Vì vậy, muốn có khả năng tự học suốt đời thì phải học bằng động lực tự thân của mình.
Dù đã biết một phương pháp tự học đắc lực nhưng không có động lực tự thân thì cũng giống như bạn có một chiếc siêu xe nhưng chẳng có giọt xăng nào, bạn chỉ biết khoe khoang về cái xe đó chứ chẳng tiến được bước nào trên con đường tự học cả.
Những người tự học bằng động lực bên trong thường rất khinh ghét những động lực bên ngoài như thi cử và thưởng phạt. Họ đã hiểu rằng, khi trường học cố nhồi nhét mớ kiến thức vô bổ vào óc trẻ con, họ cũng vô tình nhấn chìm luôn cả cái động lực tự thân mới chớm nở của các em xuống tận đáy sâu của tiềm thức. Nó chỉ kịp sặc sụa kêo gào lên vài tiếng trước tuổi dậy thì và tắc thở. Vì thế, rất khó để làm sống lại cái động lực tự thân đã bị "bức tử" từ thủa ấu thơ. Bởi thế, những ai còn giữ được cái động lực tự thân của mình thì họ rất căm ghét những thứ gây hại đến nó như thi cử, thưởng phạt, áp đặt và nhồi nhét kiến thức vô bổ. Đó là lý do chúng tôi không khuyến khích lấy thi cử và bằng cấp làm động lực cho những người tự học.
Tóm lại, muốn tự học suốt đời, đừng lạm dụng những động lực bên ngoài như tạo áp lực giả bằng thi cử và thưởng phạt. Hãy dùng động lực tự thân của mình để tự học.
Cách đánh giá một người tự học
Nhiệm vụ của nền giáo dục "học một lần" đó là “nạp” kiến thức cho người học, cho nên mục tiêu của việc đánh giá là kiểm tra xem người học đã NHỚ được bao nhiêu kiến thức, do đó mới sinh ra thi cử và bằng cấp. Còn nhiệm vụ của nền giáo dục "học suốt đời" đó là giúp mọi người tự học để giải quyết vấn đề của mình, cho nên mục tiêu của việc đánh giá là kiểm tra xem người học đã TỰ HỌC ĐƯỢC GÌ và ĐẠT THÀNH TỰU GÌ. Đó là sự khác biệt lớn nhất về cách đánh giá giữa nền giáo dục "học một lần" và "học suốt đời".
Nhiệm vụ của Khai Trí là giúp mọi người tự học trong môi trường "học suốt đời" nên tại Khai Trí không đánh giá thành viên dựa trên lượng kiến thức mà chúng tôi “nạp” vào cho họ, mà chúng tôi đánh giá năng lực của một thành viên dựa vào khả năng tự học của họ, và dựa vào những thành tựu mà họ đã đạt được. Đó là cách đánh giá một người tự học tại Khai Trí.
Một người tự học thì cần có chỗ để thể hiện năng lực tự học của mình, cho nên mạng xã hội KhaiTri.net được chúng tôi thiết kế để những người tự học dễ dàng thể hiện điều ấy. Khi bạn thể hiện năng lực tự học của mình tại đây thì bạn sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà tuyển dụng nếu bạn đang cần tìm việc làm; thu hút được sự theo dõi của các ứng viên nếu bạn đang cần tuyển dụng hoặc cần chiêu mộ đệ tử; và có thể sẽ khiến các nhà đầu tư để mắt đến nếu bạn đang cần kêu gọi vốn cho dự án khởi nghiệp của mình. Chỉ cần bạn thể hiện năng lực của mình một cách rõ ràng và trung thực, chúng tôi sẽ chủ động kết nối cho bạn những người phù hợp nhất. (Xin lưu ý, chúng tôi chỉ cấp tài khoản trên mạng xã hội KhaiTri.net cho những thành viên chính thức).
Vậy năng lực của một người tại cộng đồng tự học Khai Trí được thể hiện bằng cách nào?
Trên mạng xã hội KhaiTri.net, năng lực của một thành viên được thể hiện qua những gì họ đăng lên tài khoản của mình; qua nhận xét của Mentor và qua những lời đánh giá (review) của các thành viên khác dưới bài viết của họ.
Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tranh biện có quay phim để đăng lên KhaiTri.net, bạn nên tham gia vào các buổi tranh biện này (có thể online và offline) để thể hiện năng lực của mình. Hãy theo dõi Fanpage để biết lịch các buổi tranh biện tại Khai Trí.
Chúng tôi cũng lập ra các dự án để các thành viên cùng tham gia dưới sự dẫn dắt của các Mentor. Nếu bạn muốn học tinh thần liên minh và làm việc nhóm thì nên tham gia vào các dự án này tại Khai Trí để thể hiện năng lực sáng tạo của mình.
Tất cả các hoạt động đó đều được chúng tôi ghi lại và thể hiện lên mạng xã hội KhaiTri.net, lên Fanpage KhaiTri.net, và lên kênh Youtube của Khai Trí. Năng lực tự học của một thành viên sẽ được cập nhật liên tục trong tài khoản của họ tại KhaiTri.net, đó chính là cuốn “SỔ HỌC BẠ” của những người tự học suốt đời.
Chúng tôi KHÔNG CHẤM ĐIỂM, KHÔNG XẾP HẠNG và KHÔNG SO SÁNH NĂNG LỰC của các thành viên với nhau vì chúng tôi không muốn tạo sự chia rẽ gây suy yếu tinh thần liên minh giữa họ.
Tóm lại, chủ nghĩa bằng cấp trong thời đại "học một lần" sẽ được thay thế bằng chủ nghĩa năng lực trong thời đại "học suốt đời", và những kẻ không có năng lực thực sự sẽ bị đào thải bởi quy luật tự nhiên như câu chuyện này:
“Có một chú sư tử con vừa nhận được “bằng giỏi” từ khóa đào tạo “nghệ thuật săn bò tót đỉnh cao”, chú ta được “tuyển dụng” ngay vào một đàn sư tử chuyên săn bò tót vì đã đọc vanh vách về “lý thuyết săn bò tót” cho con sư tử đầu đàn nghe trong lúc phỏng vấn xin việc. Ngày đầu tiên đi làm, chú ta mất liên kết với cả đàn và bị lạc vào giữa một đàn bò tót hung dữ. Trong khi chưa kịp nhớ ra tình huống này nằm ở chương mấy trong sách giáo khoa thì chú ta đã bị con bò tót đầu đàn húc cho thủng bụng lăn ra chết mà trên miệng vẫn đang lẩm bẩm mấy câu về lý “thuyết săn bò tót đỉnh cao”. Đáng đời mấy đứa mọt sách!”
Thi cử và bằng cấp
Với những người mới bước vào con đường tự học, hoặc với những ai chưa tìm ra được nguồn động lực tự thân của mình, thì có thể dùng thi cử và bằng cấp để làm động lực tự học, nhưng về lâu dài thì không nên lạm dụng loại "thuốc kích thích" này.
Tự học không phải là học một mình mà đôi khi cần phải đăng ký những khóa học, nên cần phải trải qua các kỳ thi và được cấp bằng. Bằng cấp là thứ nhanh nhất để chứng tỏ năng lực của bạn với nhà tuyển dụng hoặc với những người xa lạ. Nó cũng thể hiện được một phần năng lực tư duy và trí nhớ của bạn (chứ không phải năng lực giải quyết công việc của bạn). Hơn nữa trong xã hội vẫn còn trọng bằng cấp như Việt Nam thì không có bằng cấp đôi khi cũng rất bất lợi trên con đường tiến thân.
Tuy nhiên, chúng ta cần để ý rằng, trong thời đại "học một lần" thì thi cử đánh giá trí nhớ của một người, và bằng cấp chứng thực cho lượng kiến thức mà họ nhớ được tại thời điểm tốt nghiệp. Cho nên thi cử và bằng cấp là thứ đặc trưng của thời đại "học một lần" (One-time learning).
Trong thời đại "học suốt đời" (Lifelong learning) thì bằng cấp sẽ không còn ý nghĩa nữa, vì năng lực của một người được đo bằng khả năng giải quyết công việc, tức là khả năng tự học suốt đời. Do đó, một người tự học suốt đời thì không nên lấy bằng cấp để thể hiện cho năng lực của mình, mà nên chứng tỏ năng lực bằng khả năng giải quyết những công việc mới. Nếu trong thời đại này mà chúng ta còn đánh giá con người qua bằng cấp thì sẽ không tránh khỏi những sự lầm lẫn đáng tiếc.
Trong thời đại mới, chủ nghĩa bằng cấp sẽ được thay bằng chủ nghĩa năng lực, và nền giáo dục sẽ phải quay về với những giá trị nguyên thủy của nó. Giá trị của việc học là "tiêu hóa kiến thức" chứ không phải tích lũy kiến thức. Thi cử và bằng cấp chỉ kiểm tra được những kiến thức đã tích lũy chứ không thể đo được sự giác ngộ nhờ tiêu hóa kiến thức, vì giác ngộ là vô-ngôn. (Vui lòng xem bài "Tiêu hóa kiến thức")
Bên cạnh đó, thi cử và bằng cấp còn mang lại nhiều hệ quả đáng tiếc như:
Việc thi cử đã vô tình khiến học viên ngộ nhận rằng họ đã “học xong rồi” nên chẳng bao giờ cần phải tự học nữa, mặc dù họ mới chỉ biết chút ít lý thuyết suông về điều đó.
Bằng cấp đã vô tình “khoác” lên vai họ một chiếc “áo chức danh” hào nhoáng như “ông tiến sĩ”, “anh kỹ sư”, còn thiên hạ thì cứ thấy ai mặc áo cà sa cũng tưởng là thầy tu cả!
Giấy khen đã vô tình tạo ra “giai cấp” trong học đường. Những người học giỏi tự xem mình trên kẻ khác, còn những em học “dốt” thì tìm cách bạo hành những bạn học giỏi để trả thù. Khi các em chỉ biết cách duy nhất để chứng tỏ bản thân là đạt giấy khen thì những em có sở trường đặc biệt sẽ nghĩ mình vô giá trị.
Người tự học thì sẽ lấy mục tiêu là chiến thắng chính mình chứ không phải chiến thắng người khác trong các cuộc thi tranh tài cao thấp. Những cuộc thi này chỉ khiến cho kẻ thắng sinh chủ quan và ngạo nghễ, còn kẻ bại sinh tự ti và thù hằn. Sự cạnh tranh này chỉ khiến cho mọi người mất đoàn kết và khó hợp tác với nhau, nên nó đang đi ngược lại mục tiêu của sự giáo dục. Áp lực của bằng cấp và thi cử còn dạy cho trẻ con biết gian dối và lừa lọc người khác.
Khai Trí là nơi trú ngụ cuối cùng cho những ai đã can đảm chạy trốn khỏi các “lò luyện thi” để cứu lấy cái động lực tự thân quý giá của mình, nên chúng tôi KHÔNG khuyến khích dùng bằng cấp và thi cử làm động lực cho những người tự học. Chúng tôi giúp mọi người học bằng động lực tự thân của chính mình.
Tóm lại: Lúc ban đầu người tự học có thể lấy thi cử và bằng cấp làm động lực để tự học, nhưng về lâu dài thì phải lấy động lực tự thân của mình để tự học vì đó là những động lực tự nhiên. Sư tử không học săn nai để đi thi; chim ưng không học bắt thỏ để lấy bằng; vì vậy xin đừng tự học vì những động lực PHI TỰ NHIÊN đó.
Biết dưỡng thân
Người tự học không thể đi xa nếu họ không đủ sức khỏe. Muốn có sức khỏe thì phải biết phép dưỡng thân, tức là biết sống thuận tự nhiên.
Cách tốt nhất để dưỡng thân đó là SỐNG THUẬN TỰ NHIÊN, tức là đối xử với mọi bộ phận trên cơ thể như bản tính tự nhiên của nó thì sẽ không có bệnh tật. Với những người hoạt động chủ yếu về trí tuệ và muốn tu luyện để sử dụng tiềm thức cho việc sáng tạo hoặc giải quyết những vấn đề phức tạp, thì phải ăn uống và sống nghiêm ngặt hơn trong một thời gian dài. Bởi vì nếu bạn muốn các luân-xa thu được những năng lượng có sự rung động cao thì chính cơ thể bạn phải có sự rung động ở những tầng cao đã. Muốn vậy thì bạn phải ăn những thức ăn gần với năng-lượng-gốc nhất, đó chính là thực vật (đồ chay) - thứ được tổng hợp đầu tiên từ ánh sáng mặt trời, nước và khoáng chất. Động-vật-ăn-thực-vật và động-vật-ăn-động-vật là những thức ăn quá xa năng lượng gốc của vũ trụ rồi. Chúng tôi sẽ nói thêm rất nhiều về chủ đề này trên Khai Trí vì sức khỏe sẽ là một vấn đề lớn nhất của nhân loại trong thời đại tới.
Biết dưỡng thân sẽ làm tăng khí lực hoặc bớt hao tổn nguyên khí. Bởi vì khí lực của mỗi người là một nguồn năng lượng hữu hạn, nó sẽ được ta "tiêu xài" qua ba đường: THỂ CHẤT, TÌNH CẢM và TRÍ TUỆ. Những ai quyết tâm "tự khai trí" thì cần phải "giữ giới" như một kẻ tu hành để Khí lực không bị tiêu tán qua đường thể xác và tình cảm, nhờ đó mà có thể tập trung khí-lực cho trí tuệ mới đạt được sự giác ngộ cao. Đó là nguyên lý căn bản của sự tập trung vào một việc gì đó. "Giữ giới" tức là biết dưỡng thân và tịnh tâm.
Nên hạn chế tối đa các chất kích thích, vì nó sẽ làm cho các luân xa của bạn quay lệch trục và có khi bị tắc nghẽn. Nó sẽ khiến cho cảm xúc của bạn luôn hỗn loạn như mối tơ vò, lúc lên thật cao, khi xuống thật thấp. Một cảm xúc bất an như vậy sẽ cho ta những quyết định nông nổi và bất cần.
Có lẽ vì thế nên sau hai mươi mấy năm sống trong nhung lụa của hoàng cung, Đức Phật đã rũ bỏ tất cả quyền uy của một thái tử để theo dòng tu ép xác khiến thân thể đến héo mòn rồi mới nhận ra rằng “không thể có một trí tuệ minh mẫn trên một thân thể suy tàn!”. Thế rồi Ngài mới ăn uống tự nhiên trở lại để có sức khỏe ngồi thiền dưới gốc Bồ Đề mấy chục ngày đêm cho đến khi đắc đạo.
Thế nên muốn KHAI TRÍ thì trước tiên phải biết DƯỠNG THÂN và TỊNH TÂM đã.
Biết tĩnh tâm
Vì sao người tự học cần phải biết tĩnh tâm?
Muốn “tiêu hóa” được kiến thức đã học thì trí óc cần có thời gian trong sự tĩnh lặng. Công việc này chủ yếu thuộc về tiềm thức chứ không phải ý thức, mà tiềm thức thì cần làm việc trong sự tĩnh lặng. Bởi vậy nên Hồ Lâm Dực mới bảo: “Có yên tĩnh mới nảy ra tinh thần; Có tinh thần mới nảy ra trí lực”.
Sự tĩnh tâm đặc biệt quan trọng với những người trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, hoặc phải giải quyết những vấn đề phức tạp như những doanh nhân hoặc nhà chính trị, nên Maurice Maeterlinck mới nói: “Sự trầm lặng là yếu tố chính làm nảy sinh những công trình vĩ đại”.
Trang Tử thì ví tâm tĩnh lặng thì giống như một mặt hồ phẳng lặng, nên mới phản chiếu được cả thế gian chân thực mà không hề bị méo mó. Thực vậy, khi tâm của bạn thật tĩnh lặng thì mới có thể nhìn mọi vật "như nó đang là" mà không sinh ra thiên kiến.
Chỉ khi tịnh tâm thì bạn mới “giải” được các “ĐIỀM BÁO” từ vũ trụ, thì mới nghe được tiếng nói từ bên trong của linh hồn mình, rồi mới biết được mục tiêu của cuộc đời để mà định hướng mọi chuyện. Hãy xem chương nói về “cách học những điều khoa học chưa giải thích được” để biết thêm về những thuật tịnh tâm, nó chẳng những giúp bạn sống trong an lạc mà còn mang lại những trợ lực vô hình từ vũ trụ mà bạn sẽ không bao giờ ngờ tới.
Vậy làm sao để có được một tâm hồn tĩnh lặng giữa xã hội xô bồ ngày nay?
Lacordaire cho rằng “Sự lặng lẽ cô tịch là nơi ở tự nhiên của những tâm hồn cao thượng”
Hensi Ibsen nói: “Người mạnh nhất thế giới là người dám sống một mình”.
Còn học giả Nguyễn Duy Cần đã cắt nghĩa cho ta:
“Sống trong xã hội, người ta vì nể nhau mà phải bị bắt buộc sống trong giả dối. Cả một giàn “nghi lễ” giả tạo bắt buộc ta phải dẹp tình cảm ta qua một bên, tỏ vẻ lạnh lùng và cố giữ vẻ trầm lặng bí ẩn. Chẳng những ta không được quyền bộc lộ bản tính của ta, lại còn bị phong tục, tập quán xã hội làm thiên đi và lại phải thay vào đó bằng những cử động, những cảm tưởng mà xã hội, thời thượng chấp nhận, dù là trái với tâm cảm của ta. Cái sống phiền phức, nhộn nhịp của kinh thành dễ làm khô héo tình cảm thanh cao của ta. Sống trong cô tịch là dịp hay để mình sống trở lại trong sự thành thực với cõi lòng.”
"Thánh Bernard có nói: “Anh sẽ tìm được một cái gì rộng rãi hơn và sâu thẳm hơn trong những cảnh rừng hoang vu vắng lặng hơn là trong sách vở”. Vì vậy, ta đã thấy, các bậc đạo học cao thâm thường là những kẻ thích sống trong những cảnh non cao rừng thẳm, chằng phải để tránh đời mà là vì hợp với tâm hồn thiên về hướng nội của mình hơn. Kẻ nào thích sống một mình, bao giờ cũng là người thâm trầm sâu sắc hơn kẻ thích sống trong nhộn nhịp tưng bừng của bè bạn, hội hè"
"Văn hào André Maurois cũng bảo: “Những người làm việc nhiều, nên thỉnh thoảng sống một đời sống ẩn dật”…
“Họ tìm về nhà quê, bên sườn núi, hay những bãi bể vắng vẻ để xa hẳn với mọi liên lạc, từ chối cả sự luyến ái tâm tình cùng bè bạn. Trong một khung cảnh rộng rãi bát ngát như thế mới thích hợp với tâm hồn của họ được. Ở giữa sự nhộn nhịp tưng bừng của các đô thị lớn, thì một tuồng hát, một bài báo, một câu chuyện ngồi lê đôi mách cũng sẽ thành ra điều quan trọng, lấn át cả công việc của ta, cả tình cảm đứng đắn của ta. Nhưng dưới cảnh trời sao mênh mông bát ngát, những chuyện vụn vặt ấy phải chìm lần mất hẳn trong bóng tối. Trong sự im lặng ban đêm và trong sự im lặng của tâm hồn, trên những khoảng bao la man mác thì mọi sự phù phiếm vô giá trị đều bị gạt bỏ hết, và ta có thể xây dựng được những công trình lâu dài. Sự tĩnh mịch không bao giờ làm hèn yếu con người đâu."
Đó là lời khuyên của những người sinh ra vào thời chưa có Internet. Nếu họ sinh ra vào thời nay, có lẽ tất cả họ sẽ khuyên ta nên cai nghiện smartphone và mạng xã hội trước tiên để giữ cho tâm được tĩnh lặng.
Những bài viết rất “nông” của các SEOer trên internet đang làm bạn bị mất khả năng đọc sâu, nên bạn không giác ngộ được gì khiến trí tuệ bị “đói khát”. Mà trí tuệ càng đói thì bạn càng thèm khát kiến thức nhiều hơn, nên bạn mới nghiện smartphone. Để chấm dứt chứng nghiện smartphone này, bạn cần dừng ngay việc đọc những thứ vô bổ đó đi và đọc những bài viết có ngộ-tính cao. Trên mạng xã hội KhaiTri.net chúng tôi chỉ duyệt những bài viết dạng này chứ không khuyến khích các thành viên đăng thêm những kiến thức vô bổ để làm “đầy bụng” người khác.
Chứng nghiện smartphone cũng khiến bạn không có được sự trống trải trong tâm trí và tịch mịch trong tâm hồn, nên ngày càng thiếu tự chủ và sinh ra hoang mang, vì bạn thấy mình chẳng hiểu biết gì trong cái thế giới quá phức tạp này. Càng đọc càng thấy mình ngu dốt, nên càng muốn đọc nhiều hơn. Sau khi đã khiến bạn hoảng loạn tột độ, các NHÀ ĐỘC TÀI SỐ sẽ xuất hiện như một đấng cứu thế trên bản tin Facebook của bạn với các giải pháp vẹn toàn. Họ hiểu rõ bạn như một con ma xó, nên bạn khó mà cưỡng lại được những ma lực của nó.
Tóm lại, để có thể khai trí trên con đường tự học thì ngoài phép dưỡng thân, bạn cần phải tĩnh tâm nữa. Để tĩnh tâm thì cần phải sống trong tịch mịch và "dửng dưng" khi lướt internet.
Biết xúc cảm
Vì sao cần tự học cách nuôi dưỡng cảm xúc của mình?
Tôi nghĩ bất kể công việc gì cũng là sự kết hợp ít nhiều của trí tuệ, kỹ năng và cảm xúc. Vì vậy, ngoài việc tự học để nâng cao trí tuệ và thành thục kỹ năng thì bạn cần phải tự học cách nuôi dưỡng cảm xúc của mình nữa.
Thời nay ai cũng phải “đeo mặt nạ” để che giấu cảm xúc nên ít có người nuôi dưỡng được xúc cảm nguyên thủy của mình. Những người thuộc ngành kỹ thuật thì buộc phải dùng lý trí quá nhiều nên cảm xúc của họ phải câm nín. Ta nói chuyện với họ mà cứ ngỡ đang nói chuyện với một con “robot đội lốt người”. Có lẽ vậy nên Cụ Nguyễn Duy Cần mới bảo:
“Biết xúc cảm là điều kiện cốt yếu để tạo cho mình một cơ sở văn hóa sâu sắc hơn.
Thật vậy, ta thường gặp biết bao kẻ học giỏi, biết tư tưởng, biết phán đoán… nhưng dường như cơ sở học vấn vẫn ở mực tầm thường mãi…Là tại sao?
Là vì họ thiếu “ngọn lửa” lòng, họ là những tâm hồn thiếu hăng hái, thiếu say mê vì ít thắc mắc và rất dễ dãi đối với bất kì việc gì…Sở dĩ họ cố công học hỏi ngày đêm là vì phải trải qua những kì thi khó khăn. Bởi vậy, họ phải “học gạo”, chỉ học và đọc những gì có trong chương trình thi mà thôi, những môn nào không bắt buộc phải thi, thì họ dẹp lại một bên. Miễn cưỡng vì bị bắt buộc nên họ xem sự học như một phận sự phải làm, không gì hứng thú cả. Đến khi họ trở thành một nhà giáo, họ cũng vẫn dạy cho có dạy. Không phải bài dạy của họ sai lầm hay vô ý thức, nhưng họ dạy một cách buồn chán, lạnh lùng, họ chỉ dạy trong chương trình, trung học hay đại học, một cách lạt lẽo, không gây được lòng hăng hái hâm mộ của học sinh, cũng không truyền được cho học sinh lòng nhiệt thành ham mê học hỏi gì cả. Họ thiếu ngọn lửa thiêng của lòng hăng hái nhiệt thành.
Người ta đã nhận xét rất đúng: “Thiếu dục vọng, khó mà làm nên đại sự”. Kẻ thiếu nhiệt thành là những kẻ tầm thường. Học mà không biết ham mê, không bao giờ thành công. Luận ngữ có nói: “Biết mà học, không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học”.”
* * *
Trong hết thảy các ngành nghề thì NGHỆ THUẬT là lĩnh vực đòi hỏi xúc cảm nhiều nhất. Nếu những người ca sĩ, họa sĩ và vũ công mà không còn cảm xúc thì họ chỉ là những người “thợ hát”, “thợ vẽ” và “thợ múa” mà thôi! Bởi vì bản chất của nghệ thuật chỉ là sự lan truyền cảm xúc từ người này sang người khác qua một cách nào đó.
Bạn để ý mà xem, một đứa trẻ thường bộc lộ niềm vui bằng cách nhảy nhót hoặc líu lo, tức là nó đang múa và đang hát đấy! Nhờ thấy nó múa hát và nhìn vào mắt nó mà ta biết được nó đang vui. Vậy tác dụng của việc múa hát chẳng phải là để lan truyền cảm xúc từ nó đến những người xung quanh sao? Người lớn thì có nhiều cách lan truyền cảm xúc hơn, mỗi cách được tách ra và đặt cho một cái tên riêng gọi là một môn nghệ thuật, nhưng tất cả các môn đó chỉ là những PHƯƠNG TIỆN để tác giả hoặc người biểu diễn lan truyền cảm xúc của mình đến người khác.
Nếu bạn không tin tôi, hãy thử hỏi những ca sĩ xem khi đang tắm mà cảm xúc dâng trào liệu họ có thể đừng “rú” lên một điệp khúc nào đó được không? Khi trăng đã vào đến cửa sổ đòi thơ thì một ông lão tám mươi tuổi cũng phải lồm cồm bò dậy “trả nợ” vài dòng xuống giấy rồi mới đi ngủ được. Nghệ sĩ thì không cần giống người, và cảm xúc cũng chẳng cần ngay lối. Thà lấy đi con ngươi của nghệ sĩ chứ đừng giết chết cảm xúc của họ.
BẢN NĂNG TRUYỀN CẢM này có nhiều tác dụng cho việc sinh tồn như tạo sự đồng cảm giữa các cá thể trong bầy đàn, nhờ đó mà chúng ta liên minh với nhau, che chở cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau, và nó có tác dụng rất đắc lực khi muốn thuyết phục một ai đó. Chẳng phải hầu hết mọi quyết định của ta đều do cảm xúc nhưng lại được lý trí biện bạch giúp đấy thôi?
Chỉ có cảm xúc thật thì mới khởi sinh những ý nghĩ mãnh liệt làm rung động tâm trí của kẻ khác, đồng thời bộc lộ ra ngoài qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ điệu bộ - đây chỉ là những “lớp phấn son” của cảm xúc mà những người “ngụy nghệ sĩ” thường hay lạm dụng. Ngày nay, đa phần người hưởng thụ không đủ tĩnh lặng để cảm nhận được cái TÂM Ý của người biểu diễn được truyền đi trong chiều không gian thứ tư (không-thời-gian), nên họ phải cảm nhận qua những hình thức trung gian như tiếng hát, điệu múa, gương mặt, điệu bộ.
Được như vậy cũng tốt rồi, miễn là người biểu diễn có cảm xúc thật và khán giả cũng cảm thụ bằng cảm xúc thật của mình, nhưng những con người DUY-LÝ ngày nay không làm như vậy.
Những ca sĩ duy-lý thì chỉ biết cố hát đúng kỹ thuật thanh nhạc, còn ban giám khảo duy-lý thì luôn chất chứa trong đầu hàng chục tiêu chí đánh giá. Họ nghiêm nghị “nhặt” từng lời hát bỏ vào những “lọ thuốc thử” của mình xem nó có đúng kỹ thuật hay không, có hợp phong cách này hoặc chọi phong cách khác hay không. Dã man hơn nữa, các cô giáo dạy văn thì đem một bài thơ tứ tuyệt lên “bàn mổ” rồi “tháo rời” từng đốt xương của nó ra xem chúng được gắn với nhau bởi thủ pháp nghệ thuật gì. Họ đã biến những thi sĩ thiên phú như Trần Đăng Khoa thành những “kỹ sư chế tạo thơ” bằng cách đó. Chẳng trách nền giáo dục này không tạo được những thiên tài phóng lãng.
Theo tôi, nghệ thuật đơn giản là để cảm nhận, đừng đánh giá, đừng bình phẩm, đừng thi thố, đừng phong danh hiệu chức tước gì cả. Đem nghệ thuật lên sàn diễn để kiếm tiền chẳng khác nào đem Phượng Hoàng vào rạp xiếc thú để mua vui. Bởi vì có cảm xúc thật chưa đủ, họ còn phải bộc lộ nó ra một cách VÔ TƯ thì mới TỰ NHIÊN được. Tức là họ đừng sợ bị phán xét, đừng hơn thua với thiên hạ, đừng vì danh lợi tình quyền. Chỉ có hai hạng người làm được điều này thôi, đó là em bé và nghệ sĩ thực thụ.
Vì vậy, nếu bạn có năng khiếu nghệ thuật và muốn nổi tiếng để kiếm tiền hoặc tranh tài với thiên hạ, xin đừng tìm đến Khai Trí. Chúng tôi chỉ chào đón những ai lỡ “mang bầu” với nghệ thuật một hài nhi trong lòng, bỏ đi thì không đặng, sinh ra cũng không đành. Không đành bởi lẽ nếu họ tìm đến những trường đào tạo lý thuyết về nghệ thuật để hạ sinh thì đứa trẻ đó sẽ không còn được thấy mặt "người cha nghệ thuật" nữa, còn nếu họ nhờ giới showbiz nuôi nấng cô bé “hồng nhan” này thì cũng có ngày nó “bạc phận” mà thôi. Chúng tôi chỉ chào đón những người như tác giả vô danh của bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”, giữa đêm đông giá rét đến tòa soạn báo gửi lại một bài thơ, đơn giản vì không viết ra thì không chịu được.
Nếu bạn tìm đến chúng tôi, những nghệ sĩ thực thụ tại đây và những thành viên của Khai Trí sẽ nuôi nấng đứa con của bạn bằng dòng sữa tự nhiên của cảm xúc và bằng bóng tối của sự thăng hoa, để nó được lớn lên tự nhiên như một bông hoa cỏ dại dưới ánh mặt trời. Bông hoa ấy sẽ được hút nguồn nước từ SỰ HỌC SÂU, khoáng chất của SỰ LẶP LẠI, và ánh sáng soi rọi từ TIỀM THỨC, để mỗi ngày nó lại “rung rinh” trước những người biết thưởng lãm bằng cảm xúc thật của mình.
* * *
Tóm lại, chính cái cảm xúc khiến bạn có “tính người” hơn trong cái xã hội toàn “robot đội lốt người” này. Nó khiến người ta cư xử với nhau thấu tình đạt lý hơn, mềm mỏng hơn và ấm áp hơn. Không biết xúc cảm thì bạn khó thành công trong xử thế và trong nghệ thuật. Ngược lại, người quá nhiều cảm xúc thì lại khó thành công trong xã hội đầy cám dỗ này. Vì vậy, việc nuôi dưỡng cảm xúc và biết giấu cảm xúc đúng lúc trở nên rất khó cân bằng trong xã hội ngày nay.
Làm sao tạo cho mình một tâm hồn nhạy cảm và một tình cảm dồi dào? Thứ nhất, hãy gần gũi với những người giàu xúc cảm; thứ nhì, nhờ văn nghệ và nghệ thuật để nuôi dưỡng cảm xúc; thứ ba, cần phải tĩnh tâm.
Đôi cánh của giáo dục
Tự học nghĩa là học cách thay đổi chính mình. Để thay đổi chính mình thì phải thay đổi TỪ TRONG RA NGOÀI và thay đổi TỪ NGOÀI VÀO TRONG. Hai việc này phải sánh đôi với nhau như đôi cánh của sự giáo dục.
Muốn THAY ĐỔI TỪ TRONG RA NGOÀI thì phải tạo ra những “tiếng nổ lớn” trong tâm thức bằng sự giác ngộ để khắc vào tiềm thức những nếp nghĩ mới. Nếp nghĩ này phải hằn rất sâu, sâu mãi tận tiềm thức như một cú sốc tâm lý của tuổi thơ, chứ không phải lờ mờ trên vùng ý thức như khi bạn đọc các sách dạy kỹ năng self-help hoặc học các khóa dạy kỹ năng đổi đời. Chỉ khi giác ngộ bạn mới tự ý thức được việc mình đang làm có ý nghĩa gì, hậu quả ra sao, rồi bạn tự điều chỉnh hành động và lời nói của mình cho đến khi nó thành thói quen, tức là sự thay đổi bên trong sẽ tạo ra thay đổi bên ngoài. Sự thay đổi từ trong ra ngoài này thường dễ thực hiện với người lớn, hoặc những người có ngộ-tính cao.
Muốn THAY ĐỔI TỪ NGOÀI VÀO TRONG thì phải thực hành, phải tập những thói quen mới hoặc bỏ những thói quen cũ. Thói quen sẽ hình thành tính cách, rồi tính cách sẽ tạo nếp nghĩ, tức là sự thay đổi từ bên ngoài sẽ khiến thay đổi từ bên trong. Thói quen được tập càng sớm thì nếp nghĩ càng khắc sâu trong tiềm thức và rất khó thay đổi, nhất là những nếp nghĩ được hình thành trước tuổi dậy thì. Sự thay đổi từ ngoài vào trong này xảy ra với tất cả trẻ con, và hữu dụng với những người có ngộ-tính thấp.
Thay đổi từ-trong-ra-ngoài và từ-ngoài-vào-trong phải hòa hợp với nhau như ÂM và DƯƠNG, phải cân bằng với nhau như một đôi cánh của sự giáo dục. Chỉ có một nền giáo dục cân bằng mới tạo ra được những con người cân bằng. Kể từ khi loài người "để ngoài tai" những lời dạy của MẸ TỰ NHIÊN, thì họ luôn kéo nền giáo dục hết lệch từ thái cực này sang thái cực khác, đó là một nền giáo dục phi tự nhiên.
Người ta thường dùng LÝ THUYẾT để tạo sự thay đổi từ TRONG RA NGOÀI, và bắt học trò THỰC HÀNH để khiến họ thay đổi TỪ NGOÀI VÀO TRONG. Sai lầm nằm ở chỗ họ đã tách rời hai việc này ra khỏi nhau như tách rời hai lá phổi. Tuy cách dạy lý thuyết và thực hành hoàn toàn khác nhau, nhưng hai việc này phải sánh đôi với nhau một cách nhịp nhàng như hai cái cánh của một con chim.
HỌC sánh đôi với HÀNH
Người tự học thường chỉ biết tập trung vào lý thuyết mà lười thực hành, thành ra cái học của họ như một “đôi cánh lệch”, học mãi mà vẫn bị cho là “vô học”. Vì vậy nên HỌC phải sánh đôi với HÀNH.
Vì lẽ đó nên học giả Nguyễn Duy Cần mới than rằng:
“Có kẻ học đậu năm ba cấp bằng, có người đậu cử nhân, tiến sĩ… thế mà cũng còn bị người ta mắng cho là đồ “vô học”. Như thế thì “người có học” là người như thế nào? Chắc chắn, nó phải có một định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được hiểu ngầm hơn là nói trắng ra.
Tôi có quen nhiều bạn đậu kỹ sư điện, thế mà trong nhà có máy điện nào hư, phải đi tìm những anh thợ máy điện đến sửa… Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì phải biết, họ sẽ làm cho ta điếc óc… Tôi có biết nhiều ông giáo sư ở trường sư phạm ra, thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết, không hiểu được gì cả… Rồi họ còn bảo: “Học trò mà học dở, không phải lỗi tại thầy”… Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời vụng dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lý của con người cả.
Ai ai, nếu để ý quan sát, cũng sẽ nhận thấy như tôi… Sự tình ấy không phải lỗi gì nơi những người ấy, họ là nạn nhân của chế độ nhà trường ngày nay, mà tôi sẽ bàn đến ở một nơi khác. Tôi chỉ muốn nói, những người có những bằng cấp nói trên đây, họ có hơn gì kẻ vô học không? Nếu có hơn là họ hơn về lý thuyết, nhưng về phần thực tế… họ đâu có hơn gì một con “Vẹt”. Nói cho đúng hơn, họ chỉ có “học” mà không có “hành”. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và Hành cần phải hiệp nhứt mới được gọi là người “có học thức”.”
Cứ nhìn vào tự nhiên thì thấy chẳng có loài vật nào học “lý thuyết săn mồi” cả! Chúng học săn mồi bằng cách đi săn cùng bố mẹ và trưởng thành dần lên. Bản năng học hỏi tự nhiên của mọi loài đó là bắt chước, tức là học bằng cách thực hành chứ không phải học lý thuyết suông, và con người cũng thế. Cho nên chúng ta mới chán ghét những giờ “nhồi sọ” lý thuyết suông ở trường đến vậy.
Công cuộc “nhồi sọ” đó mới được phổ biến vài chục năm gần đây thôi, nên đừng xem nó là sự tất yếu của việc học, mà nên xem đó là một “phép thử sai lầm” của giáo dục thì hơn. Mới khoảng 100 năm trước, hơn 95% người dân Việt Nam vẫn còn mù chữ, tức là hầu như chẳng có ai học lý thuyết suông cả. Hồi đó mỗi người chỉ cần học vài phép tắc để sống trong một ngôi làng nhỏ, và học dăm ba cách trồng lúa nước để sinh nhai. Mà tất cả những “lý thuyết” đó đều được gói ghém vào những câu tục ngữ phong dao vô cùng bóng bẩy, sâu sắc và dễ nhớ để có thể truyền miệng được. Toàn bộ kho tàng văn học bình dân chính là bộ “lý thuyết sống” để dạy người Việt suốt mấy ngàn năm.
Cách dạy thực hành còn tính tế hơn nữa! Người xưa dạy trẻ con tính nhẩm bằng trò chơi ô-ăn-quan, luyện óc phán đoán bằng trò chơi trốn tìm, rèn bản lĩnh trong những lần chia phe chơi trận giả, cùng vô vàn những kiến thức và kỹ năng cơ bản khác được cẩn thận giấu vào các trò chơi mà trẻ con rất thích.
Ông bà ta đã biết thuận theo bản tính ham chơi và hiếu động của trẻ mà dạy chúng cả lý thuyết và thực hành thực là tài tình và khéo léo. Đó chính là cách dạy thuận tự nhiên mà chúng tôi khuyến khích áp dụng cho Khai Trí: hãy thuận theo bản tính tự nhiên của trò mà dạy; tưởng như không dạy gì mà không gì là không dạy.
Chúng tôi khuyến khích các Mentor cho các Mentee tham gia vào các dự án thực tế hoặc các dự án khởi nghiệp để họ có thể thực hành nhiều hơn. Mỗi Mentee có thể tham gia cùng lúc vào nhiều dự án tại nhiều nhóm khác nhau nếu họ được các nhóm đó chấp nhận. Hãy để ý rằng, suy nghĩ không bao giờ tạo ra kết quả, chỉ có hành động mới tạo ra kết quả thôi.
Học sâu và học rộng
Người tự học thường bị rơi vào một trong hai thái cực này: chỉ học rộng mà không biết học sâu một thứ gì cả; và ngược lại, chỉ biết học mỗi chuyên môn của mình và không quan tâm đến những thứ khác. Cả hai hạng người này đều đang bị thiên lệch, vì họ không hiểu rằng, ngoài việc học một NGHỀ làm kế sinh nhai thì còn phải luyện ĐỨC và mở mang TRÍ TUỆ nữa. Nếu ví học rộng và học sâu là ÂM và DƯƠNG, như là đôi chân của sự học thì người tự học cần phải biết cân bằng giữa học rộng và học sâu mới có thể thành công được.
Học sâu như thế nào?
Với lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, cần phải học thật sâu. Học sâu nghĩa là phải “đào bới” ra lịch sử hình thành nên nó, sứ mệnh của nó là gì (WHY), rồi xem trong suốt quá trình phát triển người ta đã thay đổi những phương pháp nào (HOW), sử dụng những phương tiện nào (WHAT) để thực hiện mục tiêu ấy.
Học sâu nghĩa là khi gặp bất cứ vấn đề gì đều phải truy ra tới cùng cái nguyên nhân và bản chất của nó. Nếu có thể thì tự mình đi chứng minh lại hoặc làm lại các thí nghiệm để kiểm chứng kết quả. Cần phải đọc nhiều nguồn kiến thức khác nhau, so sánh các ý kiến trái chiều và các học thuyết đối lập trong lĩnh vực ấy. Tự mình đưa ra các phê bình, nhận xét và tự mình kiểm chứng các nhận xét ấy.
Giác ngộ chỉ có từ sự học sâu chứ không đến từ sự học rộng. Chỉ khi học sâu mới khắc vào tiềm thức được, mới hình thành nếp nghĩ mới, và khiến thay đổi từ trong ra ngoài.
Người chỉ biết học sâu mà không biết học rộng thì thường có óc hẹp hòi, thiên kiến và khó hợp tác với các chuyên gia khác trong một dự án liên ngành. Ví như làm bác sĩ thì nhìn đâu cũng thấy vi trùng, làm luật sư thì động nói là lý luận, làm thám tử thì gặp ai cũng soi mói. Những người này thường “thổi phồng” vai trò chuyên môn của mình lên vì họ không thấy được vai trò của những người khác, và họ không hiểu được rằng mọi sự trên đời đều liên kết với chằng chịt trong một mạng lưới đa cực đa chiều, không có một sự vật nào là độc lập hoàn toàn cả. Cho nên các nhà chuyên môn cần phải học rộng nữa thì mới có ích cho xã hội.
Học rộng như thế nào?
Vì vạn vật luôn đan xen ràng buộc với nhau đa chiều đa cực nên ta phải có sự hiểu biết rộng thì mới thấy được sự liên kết này. Một sự học rộng rãi sẽ khiến ta tránh được thiên kiến khi nhận xét và phê bình. Victor Duruy nói: “Phải có một cái học tổng quát để phụng sự cho ngành chuyên môn của mình!”.
Còn cụ Nguyễn Duy Cần thì cho rằng: "cái học tổng quát đào tạo cho ta có được một cái nhìn bao quát, không thiên kiến, trí óc và tâm hồn rộng rãi, hiểu được người chung quanh, không có tinh thần quá khích. Đời sống tinh thần cũng dồi dào mà hưởng thụ sự sung sướng cũng rộng rãi. Thử tưởng tượng một người có óc thẩm mỹ, hiểu biết được cái hay của âm nhạc hay hội hoạ, bất kỳ là âm nhạc hay hội hoạ của nước nào. Người đó phải chăng là người có một nguồn hạnh phúc tinh thần vô tận không? Trái lại, những kẻ chỉ biết cái hay của Vọng cổ mà không biết thưởng thức cái đẹp của một bản nhạc Beethoven, biết cái hay của một tuồng hát bóng Âu Mỹ mà không thưởng thức nổi cái đẹp của một tuồng “hát bội” Á đông… thì dĩ nhiên nguồn cảm hứng mỹ thuật phải kém nhiều, vì bị hạn định."
Tóm lại, học sâu mà không học rộng thì như ếch ngồi đáy giếng, học rộng mà không học sâu thì như cưỡi ngựa xem hoa. Một người tự học phải biết cân bằng giữa hai sự học này.
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Người tự học nếu không biết phân biệt sự thật và dối trá, không biết nhận ra bản chất và hiện tượng, không biết đâu là chính đâu là phụ, đâu là vỏ đâu là ruột, thì cả một đời tự học cũng chỉ đem cung phụng cho sự giả dối mà thôi! Có lẽ thê nên Voltaire mới bảo: “Người ta nặn cam, rồi liệng vỏ”.
* * *
Truyền thuyết kể rằng Sự Thật và Dối Trá có lần gặp nhau. Dối Trá chào sự thật và nói “hôm nay là ngày đẹp trời”. Sự Thật nhìn xung quanh và thấy quả đúng là ngày đẹp trời.
Họ đi cùng nhau một lúc cho đến khi tới bên một giếng to đầy nước. Dối Trá thò tay xuống nước và quay sang nói với Sự Thật: “Nước sạch và ấm, nếu bạn muốn thì chúng ta cùng nhau bơi?” Sự Thật bèn nhúng tay vào nước và thấy quả đúng là nước rất sạch và ấm. Cả hai cùng bơi một lúc, rồi đột nhiên Dối Trá chạy lên khỏi giếng, lấy quần áo của Sự Thật và biến mất.
Sự Thật tức giận trèo lên khỏi giếng trần truồng, chạy khắp nơi tìm kiếm Dối Trá để lấy lại quần áo của mình. Mọi người thấy Sự Thật trần truồng thì liền nhìn tránh sang hướng khác vì sượng sùng hoặc tức giận. Sự Thật tội nghiệp thấy xấu hổ bèn quay lại giếng và náu mình ở đó mãi mãi.
Kể từ đó, Dối Trá mặc quần áo của Sự Thật đi khắp nơi nên người ta lầm tưởng Dối Trá là Sự Thật. Còn bản thân Sự Thật thỉnh thoảng nếu trèo ra khỏi miệng giếng thì cũng phải chịu sự phỉ báng và khinh bỉ của mọi người.
Thời nay tin giả còn nhiều hơn tin thật, không phải cái gì lóng lánh cũng là vàng, không phải ai trông đàng hoàng cũng đều tử tế. Hầu hết những điều giả dối đều được khoác lên cái áo của sự thật và ngang nhiên đi lại khắp nơi trên mạng xã hội. Còn sự thật thì lại phải ẩn mình trong những cuốn sách ế ẩm hoặc cổ xưa.
* * *
Có hai người nông dân nọ cùng sang một xứ khác gặp được một giống cây quý muốn đem về trồng. Người thứ nhất nhổ cả cái cây bỏ vào bao vác trên vai, còn người thứ hai chỉ nhặt những hạt khô của nó rơi dưới đất bỏ vào túi. Về đến nhà cái cây đã héo và chết còn hạt khô thì vẫn còn. Cũng vậy, người nào biết nhìn xuyên qua cái hiện tượng bên ngoài mà học cái bản chất bên trong thì chẳng bao giờ phải ghi nhớ quá nhiều, nhờ đó mà sự học được nhàn hạ như người đi lượm hạt khô bỏ vào túi.
Trang Tử nói: “Có nơm vì cá. Muốn đặng cá phải quên nơm. Có dò vì thỏ, muốn đặng thỏ phải quên dò. Có lời vì ý, muốn đặng ý phải quên lời”. Vậy mà người ta chỉ biết nhớ lời rồi quên mất ý.
Phật Tổ từng dạy rằng: “Đạo của ta như con thuyền đưa các ngươi sang sông. Nếu sang được sông rồi thì chớ vác thuyền theo làm chi nữa”. Ngày kia Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà bảo các đệ tử: “Kìa là mặt trăng! Các đệ tử hãy ngó theo ngón tay ta thì thấy. Nhưng, nên nhớ: ngón tay ta không phải là trăng. Những lời giảng của ta về Đạo cũng vậy. Các con cứ nghe lời ta giảng mà tìm Đạo. Nhưng nên nhớ: lời giảng của ta không phải là Đạo”. Kinh sách chỉ chép lời giảng của Đức Phật chứ không có Đạo trong đó, Đạo vốn vô-ngôn (không thể diễn đạt bằng lời) nên nó vô-tự (không thể chép bằng văn tự). Đạo phải do mỗi người tự giác ngộ lấy. Có lẽ vì vậy mà trong truyện Tây Du Ký, bộ kinh đầu tiên mà Phật Tổ ban cho thầy trò Đường Tăng là kinh vô-tự (chỉ là những trang giấy trắng), nhưng vì không hiểu được thâm ý này của Phật Tổ mà họ quay lại hối lộ một cái chén vàng để đổi lấy bộ kinh có chữ. Họ chưa biết quên lời mà đặng ý, họ chưa biết qua sông quên thuyền.
Ngày nay ta thường gọi những người như vậy bị “bệnh hình thức”. Xem lại lịch sử thì ta thấy “căn bệnh” này thường xuất hiện ở những nước mới được tiếp cận nền văn minh phương tây hào nhoáng, và đó cũng là một lẽ thường của con người.
Muốn trị được "căn bệnh hình thức" này thì phải sống thật giản dị. Người sống giản dị thì không bị lôi cuốn bởi cái hào nhoáng bề ngoài nên biết nhìn ra bản chân của sự vật. Tức là họ biết quý gỗ hơn quý nước sơn, biết trọng cái chính và kinh cái phụ. Tỉ dụ như việc hôn nhân, cái chính yếu là tình yêu của đôi uyên ương có bền đẹp không, còn lại tất cả những thứ lễ nghĩa khác đều là phụ hết. Trong việc học hành, điều cốt yếu là cái tài, cái tâm và cái tầm của người đó có được phát triển tự nhiên hay không, còn lại tất cả những thứ khác như trường lớp, bằng cấp, sách vở đều là phụ hết. Lầm cái phụ với cái chính, lầm hình thức với nội dung, lầm cái vỏ với cái ruột, đều là cái thông bệnh của phần đông người đời nay vậy.
Người giản dị là người không thể hiện mình thông qua những thứ khác như bằng cấp, tiền bạc, chức vị. Một hiền triết Hy Lạp có nói: “Nếu anh có ngựa tốt, hãy nói: Con ngựa tôi tốt, chứ không phải tôi tốt.” Người đời phần đông không phải đều có óc giản dị như thế. Họ kiếm một tấm bằng tốt, một chức vị cao, một cái xe đẹp, và tin là mình tốt thật. Cho nên, họ cũng đánh giá người khác qua những thứ bề ngoài như vậy. Bởi vì trong xã hội người ta đánh giá nhau bằng cách đó nên người nào cũng phải sắm cho mình một cái “mặt nạ” để đeo và một cái "áo cà sa" để mặc mỗi khi ra đường, từ đó sinh ra bệnh hình thức.
Hãy để ý rằng, người đẹp thực sự như chị gái Dương Quý Phi thì mới không cần trang điểm khi gặp vua; cá có tươi thì mới không cần ướp gia vị; gỗ có tốt thì mới không cần phun tẩm màu; còn cao nhân thì luôn giản dị, khiêm nhường và không bao giờ "đeo mặt nạ".
Tóm lại, người tự học cần phải bỏ căn bệnh hình thức và tập sống giản dị thì mới nhìn ra được bản chân của sự vật. Chỉ có học cái bản chân của sự vật thì mới sinh ra sự giác ngộ và không bị che mắt bởi những điều giả dối.
CỐT là cái LÕI
Những người trẻ tự học thường bị một lỗi rất thường đó là “dục tốc bất đạt”, luôn muốn "đốt cháy giai đoạn", muốn "chạy tắt đón đầu", muốn học những thứ cao siêu để phô diễn với thiên hạ, mà không biết rằng họ đang đi vào “cửa tử” trên con đường tự học. Một khi đã sa vào thì khó quay đầu lại được.
Sở dĩ họ mắc lỗi này vì không có thầy giỏi hướng dẫn họ luyện tập những điều cơ bản nhất. Nếu bạn đã được học bài bản một môn thể thao nào đó thì sẽ biết rằng, muốn trở thành một cao thủ, xin chớ luyện những “chiêu thức” cao siêu, mà hãy kiên trì lặp đi lặp lại những động tác cơ bản nhất cho đến khi bạn thực hiện nó trong vô thức. Bí quyết để trở thành cao thủ trong mọi lĩnh vực chỉ có thế thôi! Lý Tiểu Long nói rằng “Tôi không sợ người nào luyện 1000 cú đá khác nhau, tôi chỉ sợ người nào luyện 1 cú đá 1000 lần thôi”. Thực ra mọi điều phức tạp đều được tạo nên từ những thứ đơn giản nhất.
Cho nên xin đừng bị hù dọa bởi những kẻ ưa khoe khoang những chiêu thức cao siêu, hãy học ở những người kiên trì luyện tập những điều cơ bản mỗi ngày suốt cuộc đời mà vẫn không đổi sắc mặt. Loại người đầu rất phô trương lòe loẹt, loại người sau vô cùng giản dị và điềm tĩnh, họ mới là những cao thủ thực sự.
Với mỗi người, phẩm chất cơ bản nhất đó là việc tu luyện nhân cách, mà chúng ta thường gọi là việc TU-THÂN. Có tu-thân thì mới tề-gia, trị-quốc, và bình-thiên-hạ được. Với mỗi lĩnh vực lại có riêng những nguyên lý cơ bản, kỹ năng cơ bản và khái niệm cơ bản. Các Mentor tại Khai Trí đều phải biết đâu là điều cơ bản trong lĩnh vực của mình. Nhiệm vụ của Mentor là ngăn cản đừng để học trò của mình lao vào học những thứ cao siêu, mà hãy giúp họ luyện những điều cơ bản nhất.
Chỉ khi những điều cơ bản được lặp lại nhiều đến mức nó được khắc sâu vào tận tiềm thức thì bạn mới thực hành nó trong vô thức. Các cao thủ đều hành động trong vô thức vì họ biết dùng sức mạnh từ tiềm thức của mình. Hãy đọc cuốn Thiền trong nghệ thuật bắn cung để hiểu bí quyết này.
Tư duy phi-khái-niệm
Sự khác biệt lớn nhất về cách tư duy của nền giáo dục "học một lần" so với nền giáo dục "học suốt đời" đó là: khi "học một lần" người ta tư duy theo khái niệm, còn khi "học suốt đời" người ta tư duy phi-khái-niệm. Tư duy theo khái niệm phù hợp cho việc thực thi những công việc lặp lại; còn tư duy phi-khái-niệm phù hợp để ứng phó với sự thay đổi. Trong thời đại mà mọi thứ đang biến đổi tăng tốc thì tư duy phi-khái-niệm là điều cần thiết để thích nghi.
Vì sao người ta lại tư duy theo khái niệm?
Nhiệm vụ của chủ nghĩa duy vật là khám phá thế giới bên ngoài nên các nhà khoa học phải dùng ĐỊNH NGHĨA và PHÂN LOẠI để mô tả về hiện tượng và tính chất của vạn vật, từ đó sinh ra vô số khái niệm và phân loại. Thực ra, KHÁI NIỆM chỉ là sự mô tả chủ quan của người đưa ra khái niệm đó, chứ không giúp cho người khác NGỘ được bản chân của sự vật. Ta chấp nhận khái niệm đó tức là ta đã tự đeo “cặp kính màu” của người đưa ra khái niệm đó để nhìn sự vật, và tự “nhốt” tư tưởng mình trong góc nhìn ấy. Cho nên khái niệm thường được dùng phổ biến trong chủ nghĩa duy vật nhưng rất hiếm khi được dùng trong chủ nghĩa duy tâm. Đó là lý do những cuốn Kinh của các tôn giáo thường dùng các câu chuyện hoặc công án để giúp người ta giác ngộ chứ không “định nghĩa” về sự ngộ ấy cho các tín đồ.
Hơn nữa, khi muốn triển khai một công việc nào đó một cách chính xác, người ta thường dùng các định nghĩa và khái niệm. Do đó, những người được đào tạo để chuyên thực thi các công việc có sẵn thì được dạy cách tư duy theo khái niệm. Đó chính là cách dạy của nền giáo dục ngày nay.
Tư duy phi-khái-niệm là gì?
Tư duy phi-khái-niệm chính là cách tư duy theo “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà chúng tôi đã nói ở phần trên. Cách tư duy theo khái niệm rất hữu dụng trong một thế giới ổn định, còn cách tư duy phi-khái-niệm thì rất lợi hại trong một thế giới đầy biến động. Bởi vì trong thế giới đầy bất ổn đó, không có điều gì chắc chắn xảy ra như các định nghĩa đã khẳng định. Hàng loạt khái niệm sẽ sụp đổ, hàng loạt phân loại sẽ đảo lộn, người ta sẽ hoang mang tột độ vì cái thế giới vốn được xây dựng bằng hàng núi khái niệm đang sụp đổ trước mắt họ. Khi đó, chỉ có cách tư duy phi-khái-niệm mới giúp họ tìm được lối ra cho những vấn đề chưa có tiền lệ.
Trước đây tôi tin rằng nhiệm vụ của một người giảng viên như mình chỉ là giảng dạy kiến thức khoa học, và tự nhốt mình trong cái chức danh ấy. Từ khi tôi hiểu ra rằng: Xã hội con người thực ra cũng là một bầy đàn của những con “vượn trần trụi”, và trong các bầy đàn nguyên thủy không hề có giáo viên vì mỗi người lớn đều là một giáo viên rồi. Khi xã hội phát triển và chuyên môn hóa, người ta giao cho những người dũng cảm bảo vệ bầy đàn thì gọi là quân đội, giao cho những người “mát tay” chữa bệnh thì gọi là bác sĩ, giao cho những người truyền cảm dạy dỗ trẻ con thì gọi là giáo viên. Vậy nhiệm vụ của giáo viên là dạy trẻ con cách bước vào đời, đây chính là cái SỨ MỆNH (WHY) của giáo viên. Mỗi thời đại người giáo viên sẽ thay đổi CÁCH THỨC (HOW) để đạt được sứ mệnh ấy, và tạo ra những CÔNG CỤ (WHAT) khác nhau để thực hiện nó. Chỉ có cái WHY là “bất-biến”, còn cái HOW và WHAT thì phải “vạn-biến” tùy thời, tùy nơi.
Ví dụ, với ngành giáo dục Việt Nam, thời phong kiến người ta dùng triết lý của Nho giáo nhằm tạo ra những người quân tử để làm quan; thời thực dân người ta dùng mô hình giáo dục "học một lần" để dạy kiến thức khoa học nhằm “đúc” mỗi người thành một “bánh răng nhân sự" trong những guồng máy quản lý. Tuy nhiên, nhân loại đã bước sang thời đại công nghệ thông tin được vài thập kỷ rồi, thế giới đang biến đổi nhanh chóng, và tôi nhận ra mô hình "học một lần" không còn phù hợp nữa nên mới sử dụng mô hình "học suốt đời" để giúp mọi người tự học trong thời đại này. Đó là lý do tôi tạo ra cộng đồng tự học Khai Trí.
Để Khai Trí có một mạng xã hội tôi đã phải tự học về công nghệ thông tin để xây dựng đội ngũ Smartwebsite.vn; để hướng nghiệp cho các em học sinh và sinh viên, tôi lại tự học để số hóa nhân-tướng-học và tâm lý học khi tạo ra trang ChonNghe.net; rồi cùng với các thành viên của Khai Trí tạo ra các nhóm tự học trong một số lĩnh vực, đó là các dự án Say.edu.vn, Architect.vn, TopBuilder.net, Designer.vn. Nếu không tự thoát ra khỏi cái định nghĩa về giảng viên và tư duy phi-khái-niệm về ngành giáo dục, chắc tôi không thể tự học để giải quyết các vấn đề như vậy được.
Do đó, để tư duy trong thời đại biến đổi tăng tốc thì phải rũ bỏ những cái áo của KHÁI NIỆM, PHÂN LOẠI và CHỨC DANH để tư duy một cách PHI KHÁI NIỆM. Biểu hiện đầu tiên của một người tư duy phi-khái-niệm là rất hiếm khi phải nương tựa vào những định nghĩa của người khác để phô diễn tư tưởng của mình.
Tiêu hóa kiến thức
Tự học là học cách "tiêu hóa kiến thức" chứ không phải tích lũy kiến thức.
Gustave Lebon đã đúc kết: “Món ăn tinh thần cũng như món ăn vật chất. Những thứ ta ăn không nuôi dưỡng ta mà chính những gì ta đã tiêu hoá mới nuôi dưỡng được ta thôi”. Chắc ông ấy còn muốn nói thêm rằng, ăn nhiều mà không tiêu hóa được chỉ gây chướng bụng, học nhiều mà không giác ngộ được chỉ khiến loạn óc thêm. Còn André Lalande đã phải thốt lên: “Cái học lưng chừng, hào nhoáng và chưa tiêu hoá còn tệ hại hơn là sự ngu dốt: nó làm suy nhược óc phán đoán và giảm bớt lòng đạo đức”.
Nếu bạn vẫn chưa tin tôi thì hãy nghe câu chuyện này để thấy cái hại của việc học mà không biết tiêu hóa là như thế nào:
* * *
Một hôm, BỤNG khệ nệ tìm đến than thở với ĐẦU:
BỤNG bảo: Thực ra những thứ nuôi sống cơ thể này không phải là những gì tôi ăn vào, mà là những gì tôi tiêu hóa được. Nếu MIỆNG cứ tống vào cho tôi toàn những thức ăn vô bổ thì tôi vẫn no đấy, nhưng TẾ BÀO thì rất đói, vì tôi chẳng rút được chút chất bổ nào cho TẾ BÀO cả. TẾ BÀO càng đói thì cơ thể càng thèm ăn, mà càng ăn thứ vô bổ thì càng đói TẾ BÀO và cơ thể càng phải tạo mỡ để chứa những chất độc dư thừa do thức ăn vô bổ tạo ra. Anh có thấy những người càng mập thì càng thèm ăn không?
ĐẦU gật gù đồng ý: Đúng vậy. Anh đang bị quá tải và oan ức giống như tôi. Thực ra, những thứ bổ ích cho TRÍ TUỆ không phải là những kiến thức mà MẮT và TAI nạp vào cho tôi, mà là những kiến thức mà tôi "tiêu hóa" được. Nếu MẮT và TAI cứ tống vào cho tôi toàn những kiến thức vô vổ thì tôi sẽ rất "no", nhưng TRÍ TUỆ thì rất đói, vì thứ nuôi sống TRÍ TUỆ là sự giác ngộ do "tiêu hóa" kiến thức mà có, chứ không phải kiến thức thô. TRÍ TUỆ càng đói thì MẮT và TAI càng thèm “ăn” kiến thức, mà họ càng “ăn” những kiến thức vô bổ thì TRÍ TUỆ càng đói và tôi càng mệt vì phải xử lý quá nhiều “rác” mỗi ngày, nên tôi chẳng còn sức để tiêu hóa kiến thức nữa. Tôi cần trống trải và tịch mịch thì mới "tiêu hóa" kiến thức được. Những người bị nghiện smartphone chẳng để cho tôi có được hai điều đó thì họ sẽ chẳng có được chút giác ngộ nào cho TRÍ TUỆ của họ đâu. Vì vậy nên họ luôn ngấu nghiến những kiến thức vô bổ trên internet, giống như một người mập thèm ăn vậy.
Tôi được tiến hóa để sống trong một ngôi làng nho nhỏ chứ đâu phải để sống trong một thế giới phẳng bảy tỉ người với hàng núi dữ liệu đổ vào tôi mỗi ngày. Những chuyện này xảy ra quá nhanh và chúng ta không thích nghi kịp, nhưng dù sao anh cũng may mắn hơn tôi rất nhiều đấy.
BỤNG thắc mắc: tôi may mắn hơn anh thật ư?
ĐẦU lại gật gù: Đúng vậy. Nếu MIỆNG có tống vào cho anh những thức ăn độc hại thì anh có thể ói nó ra ngoài để nó không gây hại cho anh, nhưng tôi thì không thể làm vậy. Tôi không thể “ói” những kiến thức độc hại mà MẮT và TAI đã nạp vào dù nó cản trở rất nhiều đến sự giác ngộ của tôi. Tôi chỉ có thể ra tín hiệu "từ chối tiếp nhận kiến thức" bằng cách buồn ngủ hoặc thờ ơ mất tập trung.
BỤNG tỏ vẻ cảm thông: Hèn gì tôi nghe người ta nói anh được học rất nhiều mà chẳng làm được tích sự gì, giờ tôi mới hiểu là TRÍ TUỆ không có được chút giác ngộ nào từ mớ kiến thức vô bổ đó vì anh có tiêu hóa được chút gì đâu. Đúng là chúng ta đều bị oan ức!
* * *
Cụ Nguyễn Duy Cần đã bàn về sự tiêu hóa kiến thức như vầy:
“Ăn mà không tiêu, có hại cho sức khoẻ. Học mà không hoá, có hại cho tinh thần. Cỏ của con chiên ăn mà được tiêu, không còn gọi là cỏ nữa, mà là bộ lông mướt đẹp của nó. Dâu của con tằm ăn mà được tiêu, không còn là dâu nữa, mà là sợi tơ mịn màng tươi tốt của nó. Người có học thức là người, đã thần hoá những cái học của mình. Bởi vậy, người có học thức là người dường như không biết gì cả, mà không có cái gì là không biết.
Học mà đến mực dường như quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới thật là nhập diệu. Herriot nói: “Học thức là cái gì còn lại khi mình đã quên tất cả”.
Một nhà tâm lý học có nói: “Quên là điều kiện cần thiết của cái Nhớ”. Thật là chí lý. Một điều gì học mà mình còn cố nhớ, là nó chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí mình thì môn học ấy mới được gọi là đã được tiêu hoá. Người học đánh máy chữ mà còn để ý tìm từng nút chữ, cố nhớ vị trí của mỗi nút chữ… là người đánh máy chưa tinh. Người học đi xe máy mà còn nhớ mình còn ngồi trên xe máy, còn để ý đến bàn đạp, cách đạp… là người đi xe máy chưa tinh.
Trang Tử nói: “Người bắn cung mà còn để ý đến việc bắn cung của mình là người bắn chưa tinh. Kẻ lội mà còn để ý đến cái lội của mình là người lội chưa giỏi. Phải biết quên thị phi đi, thì cái tâm mình mới thông suốt được cái lẽ thị phi… (Tri vong thị phi, tâm chi thích dã)”. Hiểu được câu nói này của Trang Tử là hiểu được cái diệu pháp của phép Học rồi vậy.”
Nếu bạn vẫn chưa tin thì hãy đọc cuốn Thiền trong nghệ thuật bắn cung để hiểu học đến mức quên hết những gì đã học là như thế nào.
Người biết tiêu hóa kiến thức thì càng học càng thấy mình khôn ra, vì họ chỉ nắm các quy luật bất biến của vạn vật. nên càng học họ càng giác ngộ, càng học họ càng nhớ ít hơn. Người học để tích lũy kiến thức thì càng học càng thấy mình ngu đi, vì họ chỉ học cái tính chất của vạn vật, càng học càng phải nhớ nhiều hơn.
Những loại kiến thức nào dễ tiêu hóa nhất?
Những thức ăn có nguồn gốc tự nhiên thì dễ tiêu hóa cho bụng nhất, và những kiến thức được trình bày bằng ngôn ngữ tự nhiên thì dễ tiêu hóa cho trí óc nhất. Ngôn ngữ tự nhiên nhất chính là kể chuyện, còn ngôn ngữ phi-tự-nhiên thì thường được dùng trong các bài báo khoa học, đôi khi cả trên báo chí. Vì vậy nên ai cũng thích đọc các câu chuyện phiếm trên Facebook nhưng chẳng ai thích đọc báo khoa học cả.
Khả năng tiêu hóa kiến thức của mỗi người có giống nhau không?
Cùng nghe truyện Tây Du Ký nhưng mỗi người, mỗi tuổi, lại rút ra cho mình những bài học khác nhau, vì khả năng tiêu hóa kiến thức của họ khác nhau. Giống như cùng ăn một quả cam nhưng người đã đủ vitamin sẽ tiêu hóa khác kẻ đang thiếu vitamin, người đang bị đau bao tử sẽ tiêu hóa khác kẻ bị suy thận.
Người tự học nên biết chọn sách, chọn thầy và chọn bạn phù hợp với khả năng "tiêu hóa" của mình, và hãy thận trọng khi giới thiệu sách, giới thiệu thầy và giới thiệu bạn cho người khác, vì một cuốn sách đọc không đúng lúc chỉ để lại một vị đắng chát mà thôi.
Làm sao để tiêu hóa được kiến thức?
Để tiêu hóa kiến thức cần có óc nhân quả, óc phê bình, óc tổng hợp của triết học và óc phân tích của khoa học.
a. Óc tổng hợp của triết học
Người tự học cần có óc tổng hợp triết học để nhìn ra được “bức tranh tổng thể” và không bị lạc lối trên con đường tự học. Trong tất cả các môn học thì TRIẾT HỌC là môn nền tảng nhất mà lẽ ra ai cũng phải học đầu tiên. Bởi vì tất cả các môn khoa học khác đều dạy người ta phân tích, chỉ có môn triết học dạy người ta biết tổng hợp; các môn khoa học đều dạy người ta những tính chất vụn vặt của sự vật, chỉ có môn triết học dạy người ta những quy luật phổ quát của tự nhiên.
Trước khi dùng khoa học để khám phá những tiểu tiết của vạn vật, hãy dùng triết học để hiểu quy luật vận hành của vạn vật đã. Sau khi có được hàng núi dữ liệu từ phân tích khoa học, cần dùng óc tổng hợp của triết học để rút ra những điều hữu ích. Vì vậy nên H. Spencer cho rằng: “Sự hiểu biết của kẻ tầm thường thì rời rạc không thống nhất; Sự hiểu biết của nhà khoa học, là một sự hiểu biết được thống nhất một phần nào thôi; Còn sự hiểu biết của nhà triết học là sự hiểu biết đã hoàn toàn được thống nhất”.
Nguyễn Duy Cần thì cho rằng:
“Bất cứ một thứ học nào mà thiếu những chân trời rộng rãi của triết học làm hậu thuẫn là những thứ học còn thiếu sót và không vững chắc.
Triết học phải là cứu cánh của tất cả mọi ngành học của ta, mỗi khoa là mỗi con đường, chung qui rồi cũng phải đổ dồn về một mối, là Triết học.
Chân lý là một cái gì duy nhất, bao trùm; khoa học chỉ cắt xén nó ra từng mảnh mún vụn vặt để nghiên cứu riêng về một khía cạnh nào thôi. Mỗi khoa học chỉ nhìn thấy có một khía cạnh chứ không sao thấy được thật toàn diện, lại cũng thường thiên hẳn về phần vật chất hơn.
Sứ mạng của Triết học là nhắm vào sự thỏa mãn óc thống quan của con người, tổng hợp lại những gì rời rạc, mâu thuẫn trong đời. nhìn cuộc đời một cách cao xa và rộng rãi hơn như người đứng trên núi cao mà nhìn khắp chân trời…Vì vậy, nhờ óc triết học, người ta thấy được sự liên lạc giữa các sự vật, vì bao giờ họ cũng có cái nhìn bao trùm. Khoa học thì thiên về óc phân tích hơn, triết học thì chuyên về óc tổng quan hơn.”
“Triết học phải là cái học căn bản cho các thứ học khác. Triết học giúp ta nhận chân được sự tương đối của khoa học, sự hạn định của khoa học trong vấn đề nhân sinh và nhắc cho ta nhớ rằng còn có nhiều giá trị khác nữa cũng không kém quan trọng”
Có nghĩa là, nền giáo dục phương tây đã dạy môn triết bằng cách phân tích nó như các môn khoa học khác, nên người ta mới thấy nó vô dụng như ngày nay. Người tự học sáng suốt cần tìm về với triết học thuần túy, đặc biệt là những triết học và tôn giáo phương đông. Cần để ý một điều tế nhị này, ở phương Đông thì trà ngon ở cái dư vị, nhạc hay ở cái dư âm, và sách quý ở những điều mà nó khơi gợi được trong lòng ta sau khi đọc. Trang tử Nam hoa kinh, Lão tử đạo đức kinh, Tây du ký, đều là những bộ triết Đông như thế. Những cuốn sách này sẽ dồn ý thức của bạn vào đường cùng, nhờ đó mới có sự biến đổi sâu sắc trong tiềm thức, gọi là giác-ngộ.
Tuy nhiên, học triết không phải để thuộc lòng tên những quy luật hay để nắm rõ gia cảnh của các triết gia, như vậy là học vẹt, học gạo. Học triết để luyện óc thống quan, óc tổng hợp, ham suy nghĩ, biết tư tưởng và nhìn ra bản chân sự vật. Người càng học triết thì càng điềm đạm chứ không ham cãi lý để phô diễn mớ kiến thức mà họ vừa “nhai lại” của kẻ khác. Người có óc triết học không phải là người chết trong các chồng sách triết học, mà là người đã biết thần hóa cái học của mình rồi. Pascal nói: “Chân triết học chả cần gì đến triết học”. Thật là chí lý!
b. Óc phân tích của khoa học
Óc nhị nguyên của khoa học duy vật đã chia thế giới này ra làm hai, đó là thế giới hữu hình và thế giới vô hình. Chủ nghĩa duy vật chỉ dùng để khám phá thế giới vật chất hữu hình, còn để khám phá thế thế giới vô hình, cần phải nương nhờ đến chủ nghĩa duy tâm (xem phần tiếp theo: Cách tự học những điều khoa học chưa giải thích được).
Chủ nghĩa duy vật dùng phương pháp KHOA HỌC THỰC NGHIỆM để nghiên cứu về thế giới vật chất hữu hình, còn chủ nghĩa duy tâm dùng phương pháp CHỨNG NGHIỆM TÂM LINH để khám phá cõi vô hình. Tất cả những gì thuộc về ý thức, trí nhớ, nội tâm, bản ngã, luân hồi, linh hồn… đều thuộc về thế giới vô hình nên không thể dùng khoa học thực nghiệm để nghiên cứu được.
Chủ nghĩa duy vật đã lấn át chủ nghĩa duy tâm trong khoảng 400 năm trở lại đây và gần như trở thành chủ nghĩa độc tôn trong thế giới hiện đại, vì vậy hầu hết những thứ mà bạn cần tự học để sinh tồn trong thế giới này đều thuộc về chủ nghĩa duy vật. Nó giúp cho bạn hiểu thế giới vật chất vận hành như thế nào để khai thác chúng hiệu quả cho con người. Nó giúp cho bạn có được cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng khó không giúp bạn tìm thấy hạnh phúc đích thực, vì hạnh phúc đích thực là một cảm giác thuộc về nội tâm.
Để tự học những thứ thuộc về chủ nghĩa duy vật cần có TINH THẦN KHOA HỌC: biết nghi ngờ mọi thứ, đòi chứng minh mọi thứ, hễ cái gì tồn tại thì cái đó có thể chứng minh bằng lập luận hoặc thực nghiệm, hễ cái gì có kết quả thì phải có nguyên nhân tạo ra nó. Trước đây chủ nghĩa khoa học còn có một “tín điều” quan trọng nữa, đó là “vật chất tồn tại độc lập với ý thức”, nhưng từ khi họ nghiên cứu thế giới hạ nguyên tử thì các nhà vật lý lượng tử đã không còn tin vào tín điều đó nữa.
Tinh thần khoa học luôn muốn khám phá tính chất của vạn vật bằng cách phân tích nó, mổ xẻ nó, chia nó ra nhỏ nhất có thể vì người ta cho rằng vạn vật đều được cấu thành từ một số nguyên tố cơ bản. Một nhà khoa học cực đoan sẽ ngắm một bức tranh bằng kính lúp, sẽ nghe một bản nhạc bằng một máy đo tần số, và đọc một bài thơ bằng cách “chặt” nó ra thành những cấu trúc ngữ pháp nhỏ hơn. Làm như vậy là dùng óc khoa học không đúng chỗ. Xin đừng trở thành những nhà khoa học cực đoan như vậy.
Tinh thần khoa học dường như trái ngược với tinh thần tâm linh. Tuy nhiên, những người chỉ biết một chút về khoa học mới từ bỏ tâm linh, còn những nhà khoa học lỗi lạc nhất thì lại luôn tìm về tâm linh ở các tôn giáo cổ xưa nhất.
c. Óc nhân quả
Người tự học muốn khỏi phải nhớ quá nhiều kiến thức vụn vặt tiểu tiết và hiểu được bản chất của sự vật thì cần phải có óc nhân quả. Khi đứng trước sự vật gì luôn biết tìm ra nguyên nhân của nó, luôn tự hỏi “cái gì tạo ra nó”, “tại sao có chuyện này”, “điều này sẽ gây ra hậu quả gì”. Người nắm được nguyên nhân như nắm được chìa khóa, như nắm được đầu mối của một cuộn dây.
Một kết quả thường do một nguyên nhân chính gây ra nhưng được xúc tác bởi rất nhiều nguyên nhân phụ khác. Thường người đời chỉ thấy các nguyên nhân gần mà không thấy các nguyên nhân xa. Để ngăn một hậu quả xảy ra, cần ngăn nguyên nhân xa dễ hơn ngăn nguyên nhân gần. Một sự tác động cũng gây ra nhiều kết quả và thường có một kết quả chính, đó là kết quả gần nhất và dễ thấy nhất nên người ta không để ý đến những kết quả xa hơn.
Đời sống phức tạp, tản mác, giáo dục hấp tấp vội vàng, thói đọc sách sơ sài ngoài mặt là những nguyên nhân làm cho tinh thần ta thiển bạc lười biếng, thấy sao, hay vậy… không chịu khó tìm xem nguyên nhân sự vật ở nơi đâu. Khi không hiểu được nguyên nhân người ta thường đổ cho may rủi, cho thánh thần, và sinh ra mê tín dị đoan.
Để biết cách học bản chất của sự vật, hãy xem phần “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
d. Óc phê bình
Vì sao người tự học cần có óc phê bình?
Bởi vì thế giới đang biến động như vũ bão, những thứ mà bạn đang học có thể đã lỗi thời, nên khi tự học một điều gì đó cần phải có óc phê bình để xem kiến thức đó có còn phù hợp không? nếu áp dụng cho Việt Nam thì cần phải sửa đổi gì? cơn bão công nghệ đã khiến nó thay đổi như thế nào? đây có phải là công cụ tiên tiến nhất trên thế giới chưa? có cách nào khác tốt hơn không? Người có óc phê bình là người biết đặt ra những câu hỏi như vậy khi học một vấn đề nào đó. Người không có óc phê bình thì đọc sách sẽ tin cả vào sách, như vậy chẳng thà đừng đọc sách còn hơn.
Khi mọi thứ biến đổi càng nhanh thì càng phải có óc phê bình khi tự học mới không bị sa vào thói áp dụng máy móc những gì đã học được. Ví dụ khi đọc các sách kinh tế của các nước tư bản, phải hiểu rằng sách đó được viết cho thị trường tự do trong chính thể dân chủ, còn Việt Nam có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và chính thể toàn trị, cả điều kiện lịch sử, con người, khí hậu, văn hóa của nước ta cũng khác, nên không thể áp dụng nguyên si những gì trong sách được. Hoặc khi đọc một bài phê bình về những yếu kém của Việt Nam so với nước ngoài, cũng phải dụng óc phê bình để xem tác giả đã xét đến những yếu tố về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người hay chưa.
Để có óc phê bình, phải có một hiểu biết sâu rộng và óc tinh nhuệ. Vui lòng xem thêm phần “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, và phần “Va chạm với nhiều tư tưởng khác” để có óc phê bình sắc sảo.
Dạy cũng là một cách tự học
Người tự học nên dạy cho người khác bởi hai lẽ này.
Lẽ thứ nhất, một trong những cách học rất tốt đó là dạy cho người khác những gì mình thực sự biết, và thực hành được những điều mà mình thường dạy cho người khác.
Khi bạn giảng mà người khác không hiểu thì bạn mới nhận ra là những hiểu biết của mình thật lộn xộn như một tủ sách hỗn độn. Nhờ đó bạn mới biết xâu chuỗi lại những hiểu biết của mình thành một sợi dây xuyên suốt, nên tư duy của bạn được mạch lạc hơn và lời nói của bạn được tường minh hơn.
Đôi khi bạn chỉ nhận ra những thiếu sót của mình nhờ những câu hỏi “ngây ngô” của học trò. Một học thuyết cao siêu có thể bị sụp đổ, một phát minh vĩ đại có thể ra đời từ những câu hỏi ngây ngô như thế.
Chỉ khi bạn “mở miệng” ra nói cho người khác những điều tốt đẹp mà bạn đọc được trong sách thì bạn mới nhận ra chính mình cũng chưa thực hiện được điều ấy. Nhờ đó bạn mới có động lực thực hiện những điều mà bạn chưa bao giờ thực hiện. Người ta thường lầm tưởng rằng những gì họ biết cũng là những gì họ làm được, nhưng thực ra cái người ta biết thì rất nhiều mà làm được thì rất ít.
Lẽ thứ nhì, cộng đồng Khai Trí hoạt động nhờ sự chỉ dạy của người đi trước cho người đi sau tạo thành một dòng chảy tri thức nối tiếp nhau càng ngày càng mạnh mẽ. Mỗi thành viên đều là “trò” của người đi trước và là “thầy” của người đi sau. Bạn trả ơn những người đã dìu dắt bạn bằng cách dìu dắt lại những người khác. Điều này chẳng những giúp cho tư duy của bạn được rộng mở hơn, mà còn giúp bạn “va chạm” với nhiều tư tưởng khác, và giúp bạn tạo được một mạng lưới các mối quan hệ xung quanh mình.
Cách tự học những điều khoa học chưa giải thích được
Đối với những vấn đề mà “khoa học đã giải thích được” thì có lẽ bạn sẽ tự học bằng cách dùng các định luật để chứng minh hoặc làm thực nghiệm để kiểm chứng. Thế còn với những vấn đề mà “khoa học chưa giải thích được” thì bạn sẽ tự học bằng cách nào? Bài này sẽ gợi mở cho bạn một số cách để tự tìm hiểu về thế giới vô hình, hay còn gọi là thế giới tâm linh.
Tác giả của cuốn Nhà Giả Kim - Paulo Coelho - cho rằng “Sự thành công là có thể đi ngủ mỗi đêm với linh hồn thanh thản”. Tức là sự thành công và hạnh phúc chỉ là đơn giản là một cảm giác phát ra từ NỘI TÂM, nó hoàn toàn thuộc về thế giới VÔ HÌNH chứ không phải thế giới vật chất HỮU HÌNH mà khoa học duy vật nghiên cứu. Cho nên, nếu mục tiêu tự học của bạn là để tìm được hạnh phúc đích thực thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải tìm hiểu về thế giới vô hình (tâm linh) - thế giới của những điều mà “khoa học chưa giải thích được”. Còn nếu mục tiêu của bạn chỉ là có một đời sống vật chất đầy đủ ấm no thì chưa đến lúc để bạn đọc bài này, vì có thể nó sẽ khiến cho bạn rối trí, hoang mang, rồi lại cho chúng tôi là những người “phản khoa học”. Một cuốn sách đọc không đúng lúc chỉ để lại vị đắng chát. Nếu bạn lỡ đọc rồi mà thấy nó hoang đường quá thì trước khi chỉ trích tôi, xin hãy tự học về Vật lý lượng tử, về Thuyết tương đối và về các tôn giáo cổ xưa.
* * *
Nếu một ngày nào đó bạn nhớ được tất cả kiến thức khoa học duy vật mà nhân loại đã tạo ra thì bạn cũng đừng tự mãn, bởi vì những kiến thức đó chỉ giải thích được những hiện tượng vật chất HỮU HÌNH thôi. Còn những thứ thuộc về thế giới VÔ HÌNH như: ý thức, tiềm thức, vô thức, nội tâm, linh cảm, giác quan thứ sáu, luân hồi, linh hồn và các vấn đề tâm linh, thì chủ nghĩa duy vật không giải thích được. Muốn giải thích chúng thì phải nương nhờ vào chủ nghĩa duy tâm.
Thực ra, tư tưởng nhất-nguyên của các tôn giáo cổ xưa đều cho rằng vật chất và ý thức luôn ảnh hưởng qua lại lẫn nhau trong một thể thống nhất. Khoảng 400 năm trở lại đây, óc nhị-nguyên của chủ nghĩa duy vật đã tách bạch thế giới này ra làm hai phần không liên quan đến nhau, đó là thế giới hữu hình và thế giới vô hình. Rồi họ tuyên bố rằng: “vật chất không liên quan đến ý thức, hễ cái gì tồn tại thì cái đó phải chứng minh được bằng thực nghiệm. Những thứ thuộc về thế giới vô hình không thể chứng minh được bằng thực nghiệm, nên nó không tồn tại”.
Một “đứa trẻ 400 năm tuổi" - tên là chủ nghĩa duy vật - đã hùng hồn tuyên bố với các tôn giáo vài ngàn năm tuổi như vậy. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20, khi các nhà khoa học lượng tử bàng hoàng nhận ra quỹ đạo của hạt electron lại phụ thuộc vào ý thức của người quan sát thì họ mới phải xem lại những giả thuyết của mình.
Gần 100 năm sau, hơn 300 nhà khoa học đã thừa nhận sự tồn tại của thế giới vô hình, và họ cũng thừa nhận rằng nền khoa học duy vật không thể “chạm” được vào thế giới này. Vì vậy họ khai sinh ra một nền khoa học mới để khám phá về thế giới vô hình, và gọi đó là nền khoa học HẬU DUY VẬT. Dưới đây là Tuyên ngôn về Khoa học Hậu duy vật (Manifesto for a Post-Materialist Science) được soạn bởi 8 nhà khoa học uy tín và được ký bởi hơn 300 nhà khoa học khác. Xem link gốc tại đây: https://opensciences.org/about/manifesto-for-a-post-materialist-science
* * *
Tuyên ngôn về Khoa học Hậu duy vật
Chúng tôi là một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau (sinh học, khoa học thần kinh, tâm lý học, y học, tâm thần học), tham gia hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khoa học hậu duy vật, tâm linh và xã hội. Hội nghị thượng đỉnh được đồng tổ chức bởi Tiến sĩ Gary E. Schwartz, Tiến sĩ Mario Beauregard, Đại học Arizona, và Tiến sĩ Lisa Miller, Đại học Columbia. Hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức tại Canyon Ranch, Tucson, Arizona, Hoa Kỳ vào ngày 7-9/2/2014.
Mục đích của chúng tôi là thảo luận về tác động của hệ tư tưởng duy vật trong khoa học (materialist ideology on science) và sự xuất hiện của mô hình hậu duy vật (post-materialist paradigm) cho khoa học, tâm linh và xã hội. Chúng tôi đã đi đến các kết luận sau:
1. Thế giới quan của khoa học hiện đại chủ yếu dựa trên các giả định có liên quan chặt chẽ với vật lý cổ điển. Chủ nghĩa Duy vật (materialism) – quan niệm rằng vật chất là thực tại duy nhất – là một trong những giả định này. Một giả định liên quan là giản hóa luận (reductionism), quan niệm rằng có thể hiểu những điều phức tạp bằng cách đơn giản hóa chúng thành tương tác của các bộ phận, hoặc với những thứ đơn giản hoặc cơ bản hơn như các hạt vật chất nhỏ.
2. Trong thế kỷ 19, những giả định này thu hẹp lại, biến thành các giáo điều, và kết hợp thành một hệ thống niềm tin tư tưởng được gọi là “chủ nghĩa duy vật khoa học” (scientific materialism). Hệ thống niềm tin này cho rằng tinh thần không là gì ngoài hoạt động thể chất của bộ não, và rằng những suy nghĩ của chúng ta không thể tác động gì đến bộ não và cơ thể, đến hành động của chúng ta và thế giới vật chất.
3. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa duy vật khoa học đã trở thành sự thống trị trong giới học thuật thế kỷ 20. Sự thống trị này mạnh đến nỗi đa số các nhà khoa học bắt đầu tin rằng khoa học duy vật đã dựa trên các bằng chứng thực nghiệm, và đại diện cho quan điểm hợp lý duy nhất về thế giới.
4. Các phương pháp khoa học dựa trên triết học duy vật đã thành công cao trong việc không chỉ nâng cao hiểu biết của chúng ta về tự nhiên mà còn mang lại sự kiểm soát và tự do lớn hơn thông qua những tiến bộ trong công nghệ.
5. Tuy nhiên, sự thống trị gần như tuyệt đối của chủ nghĩa duy vật trong thế giới học thuật đã hạn chế các môn khoa học và cản trở sự phát triển của nghiên cứu khoa học về tinh thần và tâm linh. Niềm tin vào hệ tư tưởng này, như là một cái khung độc nhất giải thích về thực tại, đã buộc các nhà khoa học bỏ qua chiều trải nghiệm chủ quan của con người. Điều này đã dẫn đến sự bóp méo nghiêm trọng và làm nghèo nàn hiểu biết của chúng ta về bản thân và vị trí của con người trong tự nhiên.
6. Khoa học, trước nhất, là một phương pháp không giáo điều, cởi mở để thu nhận kiến thức về tự nhiên – qua quan sát, khảo sát thực nghiệm và đưa ra giải thích lý thuyết về hiện tượng. Phương pháp luận của nó không đồng nghĩa với chủ nghĩa duy vật và không nên gắn với bất kỳ niềm tin, giáo điều hay ý thức hệ nào.
7. Vào cuối thế kỷ 19, các nhà vật lý đã khám phá ra các hiện tượng thực nghiệm mà vật lý cổ điển không thể giải thích. Điều này dẫn đến sự phát triển của một ngành vật lý mới mang tính cách mạng được gọi là cơ học lượng tử trong những năm 1920 và đầu những năm 1930. Cơ học lượng tử đã đặt câu hỏi về cơ sở vật chất của thế giới bằng cách chỉ ra rằng các nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử không thực sự là các vật thể rắn – chúng không tồn tại chắc chắn ở những vị trí không gian xác định và thời gian xác định. Quan trọng nhất, cơ học lượng tử đã đưa tinh thần vào cấu trúc mang tính khái niệm cơ bản, vì người ta đã phát hiện rằng các vi hạt được quan sát và người quan sát – nhà vật lý và phương pháp được sử dụng để quan sát – có liên hệ với nhau. Theo một giải thích của cơ học lượng tử, hiện tượng này cho thấy ý thức của người quan sát là rất quan trọng cho sự tồn tại của các sự kiện vật lý được quan sát, và các sự kiện tinh thần có thể ảnh hưởng đến thế giới vật chất. Kết quả của các thí nghiệm gần đây đã ủng hộ giải thích này. Những kết quả này cho thấy rằng thế giới vật chất không còn là thành phần chính hoặc duy nhất của thực tại, và nó không thể được hiểu đầy đủ mà không tham chiếu đến ý thức.
8. Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, hoạt động tinh thần có ý thức có thể ảnh hưởng đến hành vi; ngoài ra, sự giải thích và giá trị dự đoán của các yếu tố chủ đạo (như niềm tin, mục đích, mong muốn và kỳ vọng) là rất cao. Hơn nữa, theo nghiên cứu trong bộ môn psychoneuroimmunology (tạm dịch: tâm lý – thần kinh – miễn dịch học), những suy nghĩ và cảm xúc có thể ảnh hưởng rõ rệt đến hành vi của hệ thống sinh lý kết nối đến bộ não (ví dụ: miễn dịch, nội tiết, tim mạch). Ở các khía cạnh khác, các nghiên cứu hoạt động của thần kinh (neuroimaging) về tự điều chỉnh cảm xúc, tâm lý trị liệu và hiệu ứng giả dược, chứng minh rằng các sự kiện tâm thần ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của não bộ.
9. Các nghiên cứu về cái gọi là “hiện tượng cận tâm lý” (psi) chỉ ra rằng đôi khi chúng ta có thể nhận được các thông tin có ý nghĩa mà không thông qua giác quan thông thường, và vượt qua các hạn chế về thời gian và không gian hiện hữu. Hơn nữa, các nghiên cứu cận tâm lý chứng minh rằng về mặt tâm thần, chúng ta có thể làm ảnh hưởng từ xa lên các thiết bị vật lý và các tổ chức sống (bao gồm cả con người). Nghiên cứu cận tâm lý cũng cho thấy rằng tinh thần của những người ở xa nhau vẫn có thể tương quan một cách vô định xứ (nonlocal), tức là sự tương quan giữa ý thức từ xa được giả thiết là không có trung gian (chúng không liên kết với bất kỳ tín hiệu năng lượng nào đã biết), không bị suy giảm (chúng không suy giảm khi khoảng cách tăng), và ngay lập tức (chúng xuất hiện đồng thời). Những sự kiện này phổ biến đến nỗi chúng không thể được coi là dị thường hay ngoại lệ đối với các định luật tự nhiên, mà cho thấy cần có một khung giải thích rộng hơn chủ nghĩa duy vật.
10. Người ta có thể trải nghiệm hoạt động tâm thần có ý thức trong cái chết lâm sàng khi tim ngừng đập (đây là cái được gọi là “trải nghiệm cận tử“). Một số người từng có trải nghiệm cận tử đã báo cáo về sự nhận thức ngoài-cơ-thể (ví dụ, nhận thức có thể được chứng minh trùng với thực tế) xảy ra trong khi tim ngừng hoạt động. Người có trải nghiệm cận tử cũng báo cáo những kinh nghiệm tâm linh sâu sắc trong thời gian trải nghiệm cận tử sau khi tim ngừng đập. Đáng chú ý là khi tim ngừng đập, hoạt động điện của não đã ngừng hẳn chỉ sau đó vài giây.
11. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm được kiểm soát đã ghi nhận rằng những nhà ngoại cảm dày dặn (người tuyên bố có thể giao tiếp với ý thức của những người đã khuất) đôi khi có thể lấy được thông tin chính xác cao về những người đã qua đời. Điều này tiếp tục hỗ trợ kết luận rằng ý thức có thể tồn tại độc lập với não bộ.
12. Một số nhà khoa học và triết học có khuynh hướng duy vật từ chối thừa nhận những hiện tượng này bởi vì chúng không nhất quán với quan niệm cố hữu của họ về thế giới. Từ chối việc tìm hiểu hậu duy vật về tự nhiên, hoặc từ chối công bố những phát hiện khoa học hỗ trợ mạnh mẽ một khung nhận thức hậu duy vật, là phản đối tinh thần thực sự của nghiên cứu khoa học, trong đó dữ liệu thực nghiệm luôn cần được xử lý thỏa đáng. Dữ liệu không phù hợp với lý thuyết và niềm tin ưa thích không thể bị loại bỏ theo kiểu tiên nghiệm (suy diễn). Sự loại bỏ này là xuất phát từ hệ tư tưởng, chứ không phải khoa học.
13. Điều quan trọng là nhận ra rằng hiện tượng cận tâm lý (spi), trải nghiệm cận tử khi tim ngừng đập, và các chứng cứ lặp lại từ những nhà nghiên cứu có uy tín, chỉ trở nên bất thường khi bị nhìn qua thấu kính duy vật.
14. Hơn nữa, lý thuyết duy vật không thể làm sáng tỏ cách bộ não tạo ra ý thức, và chúng không thể giải thích các bằng chứng thực nghiệm đề cập đến trong bản tuyên ngôn này. Thất bại này cho chúng ta biết rằng bây giờ là lúc chúng ta giải thoát khỏi xiềng xích và sự mù quáng của tư tưởng duy vật cũ kỹ, để mở rộng khái niệm về thế giới tự nhiên của chúng ta, và đi theo mô hình hậu duy vật.
15. Theo mô hình hậu duy vật:
a) Ý thức đại diện cho một khía cạnh của thực tại và nó cũng căn bản như thế giới vật chất. Ý thức là nền tảng trong vũ trụ, tức là nó không thể bắt nguồn từ vật chất và giảm xuống bất cứ điều gì cơ bản hơn.
b) Có sự liên kết sâu sắc giữa tâm trí và thế giới vật chất.
c) Ý thức (ý chí/ ý định) có thể ảnh hưởng đến trạng thái của thế giới vật chất, và vận hành theo kiểu không xác định vị trí (hoặc mở rộng), nghĩa là nó không bị giới hạn ở các điểm cụ thể trong không gian, chẳng hạn như bộ não và cơ thể, cũng như các điểm cụ thể thời gian, chẳng hạn như hiện tại. Vì ý thức có thể ảnh hưởng theo cách phi định xứ (nonlocally) đến thế giới vật chất, ý định, cảm xúc và mong muốn của một người thực hiện thí nghiệm có thể không hoàn toàn cách ly với kết quả thí nghiệm, ngay cả trong các thí nghiệm được kiểm soát và giấu kín (blinded experiment).
d) Ý thức dường như không bị ràng buộc, và có thể kết hợp thành một thể hợp nhất – Một Ý thức bao gồm ý thức đơn lẻ của tất cả các cá nhân.
e) Các trải nghiệm cận tử khi tim ngừng hoạt động cho thấy bộ não vận hành như một bộ thu phát các hoạt động tâm thần, tức là ý thức có thể hoạt động thông qua não, nhưng không được tạo ra bởi não. Trải nghiệm cận tử xảy ra khi tim ngừng hoạt động, kết hợp với bằng chứng từ các nhà ngoại cảm, tiếp tục cho thấy sự tồn tại của ý thức sau cái chết của cơ thể, và sự tồn tại của các cảnh giới thực tại (reality level) khác không phải vật lý.
f) Các nhà khoa học không nên e ngại các điều tra tâm linh và trải nghiệm tâm linh vì chúng đại diện cho một khía cạnh trung tâm của sự tồn tại của con người.
16. Khoa học hậu duy vật không từ chối các quan sát thực nghiệm và giá trị lớn của những thành tựu khoa học đạt được cho đến bây giờ. Nó tìm cách mở rộng khả năng của con người để hiểu rõ hơn về những điều kỳ diệu của tự nhiên, và nó đang trong quá trình tái khám phá tầm quan trọng của tâm trí và tinh thần như là một phần kết cấu cơ bản của vũ trụ. Hậu duy vật cũng bao gồm vật chất, thứ được xem như là một thành phần cơ bản của vũ trụ.
17. Mô hình hậu duy vật có những hàm nghĩa sâu rộng. Nó làm thay đổi cơ bản tầm nhìn của chúng ta về bản thân, lấy lại cho chúng ta phẩm giá và sức mạnh, như những con người và như các nhà khoa học. Mô hình này nuôi dưỡng những giá trị tích cực như sự từ bi, tôn trọng và hòa bình. Bằng cách nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa bản thân chúng ta và thiên nhiên, mô hình hậu duy vật cũng thúc đẩy nhận thức về môi trường và bảo tồn sinh quyển của chúng ta. Thêm nữa, nó cũng không phải là điều gì mới, mà chỉ bị lãng quên trong 400 năm, rằng sự hiểu biết về vật chất sinh mệnh (lived transmaterial) có thể là nền tảng của sức khỏe và thể chất, vì nó đã được tạo dựng và bảo tồn trong các phương pháp tập luyện tâm trí – thân thể – tinh thần, các truyền thống tôn giáo và các phương pháp tu hành.
18. Sự chuyển đổi từ khoa học duy vật sang khoa học hậu duy vật có thể mang tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nó có thể còn quan trọng hơn sự chuyển đổi từ thuyết địa tâm (trái đất là trung tâm) sang thuyết nhật tâm (mặt trời là trung tâm).
Bản tuyên ngôn cho khoa học hậu duy vật được soạn bởi Tiến sĩ Mario Beauregard (Đại học Arizona), Tiến sĩ Gary E. Schwartz (Đại học Arizona), và Tiến sĩ Lisa Miller (Đại học Columbia), phối hợp với Bác sĩ Larry Dossey, Bác sĩ, Tiến sĩ Alexander Moreira-Almeida, Tiến sĩ Marilyn Schlitz, Tiến sĩ Rupert Sheldrake, và Tiến sĩ Charles Tart.
Ngoài ra, tuyên ngôn được công nhận và ký bởi 300 nhà khoa học uy tín khác trên thế giới.
Theo opensciences.org, Thiện Tâm biên dịch.
* * *
Có thể 400 năm sau con cháu chúng ta sẽ kể về sự kiện này giống như bây giờ chúng ta kể về sự kiện Nicolaus Copernicus đưa ra thuyết Nhật-tâm rằng Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ (chứ không phải Trái Đất) hồi thế kỷ thứ 16. Sự chuyển đổi từ Khoa học Duy vật sang Khoa học Hậu duy vật có thể có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nó có thể còn quan trọng hơn sự chuyển đổi từ thuyết địa-tâm sang thuyết nhật-tâm. Bởi vì nếu không có nền khoa học hậu duy vật để khống chế nội tâm của con người thì nền khoa học duy vật đang biến chúng ta thành những kẻ hủy diệt thế giới.
Chủ nghĩa DUY VẬT mà bạn đã bị nhồi nhét quá nhiều chỉ dùng để khám phá tính chất của vật chất hữu hình nhằm khai thác chúng, còn muốn đi sâu vào nội tâm của chính mình thì phải cậy nhờ đến các thuyết DUY TÂM. Một thứ nghiên cứu cái HỮU HÌNH bằng phương pháp KHOA HỌC THỰC NGHIỆM, một thứ soi sáng cõi VÔ HÌNH bằng CHỨNG NGHIỆM TÂM LINH. Một thứ thỏa mãn những đòi hỏi vật chất của THÂN XÁC, một thứ thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của TINH THẦN. Cả hai đều quan trọng cả. Kẻ nào chỉ biết một mà không biết hai thì giống như người tự chặt bớt một chân của mình, tự đâm mù một mắt của mình, tự chọc thủng một tai của mình, rồi chê cười kẻ khác sao lại bị dư mất một chân, thừa mất một mắt và mọc thêm một tai.
Vậy con người có khả năng tìm hiểu thế giới tâm linh không? Xin thưa là có! Và một trong các phương pháp phổ biến nhất để làm điều này đó là thiền định. Ngoài ra, mỗi tôn giáo có một cách giúp bạn bước vào thế giới tâm linh một cách khác nhau, hầu hết đều đòi hỏi sự luyện tập và chứng nghiệm tâm linh của người hành giả.
Với những người cần tự học cách để giải quyết những vấn đề phức tạp vượt quá khả năng của ý thức thì họ phải dùng đến TIỀM THỨC. Ý thức của ta chỉ dùng để suy nghĩ những vấn đề tuyến tính một chiều đơn giản của một con “vượn trần trụi”, xin đừng dùng nó để ra quyết định cho những vấn đề đa cực đa chiều, vì nó thuộc nhiệm vụ của tiềm thức. Để dùng được tiềm thức, bạn phải có sự am hiểu về cách hoạt động của nó, tức là bạn phải bước vào thế giới vô hình bằng phương pháp chứng nghiệm chứ không phải thực nghiệm. Đó là cách tự học về những điều khoa học chưa giải thích được.
Cân bằng Âm - Dương
Nếu bạn đã đọc đến đây thì có thể thấy rằng một người tự học rất dễ bị lệch sang một thái cực nào đó: khi thì học sâu quá, lúc thì học rộng quá; khi thì thiên về lý thuyết, lúc lại chỉ biết thực hành; chưa kể các trào lưu “lệch cực” (như duy vật, duy tâm) đang xô đẩy tư tưởng của họ nghiêng ngả hết từ thái cực này sang thái cực khác. Bạn thử nghĩ xem, một người mà lúc nào cũng chao đảo như đang say rượu thì có thể đi xa trên con đường tự học được hay không? Một “tư tưởng xiêu vẹo” chỉ có thể tạo ra những nét vẽ nguệch ngoạc cho cuộc đời. Cho nên, nếu bạn muốn tiến xa một cách vững chãi trên con đường tự học, thì phải cố giữ cho tư tưởng của mình được cân bằng giữa hai cực âm và dương của mọi vấn đề.
Tôi có biết một đất nước mà hầu hết mọi người chỉ nhìn bằng một mắt và nghe bằng một tai, nên họ xem những người biết nhìn bằng hai mắt và nghe bằng hai tai đều là “quái vật”. Đất nước đó chính là Việt Nam ngày nay.
Ở đó, những nhà khoa học duy vật không tiếc lời chỉ trích những người chia sẻ các chứng nghiệm tâm linh là “phản khoa học”; ở đó, những “cậu ấm” du học tây phương sẵn sàng dè bỉu các cụ đồ là “hủ tục!”; ở đó, những bác sĩ tây y thẳng tay hất đổ một chén thuốc nam của vị thầy thuốc tốt bụng.
Nếu có một nhà khoa học lại tinh thông huyền học, nếu có một anh Việt kiều lại am tường cổ sử, nếu có một bác sĩ tây y lại ăn gạo lứt muối mè, thì hẳn sẽ bị mọi người xem là “quái vật”. Sao người ta cứ thích tự chọc mù một mắt, tự đâm thủng một tai và tự cắt bớt một chân của mình như vậy nhỉ? Cứ để tự nhiên chẳng phải tốt hơn sao?
Để tự nhiên tức là cứ để cho DUY VẬT chăm sóc thân xác ta và DUY TÂM nuôi dưỡng tâm hồn ta; để tự nhiên tức là cứ suy nghĩ sâu sắc như phương đông và hành động thực tế như phương tây; để tự nhiên tức là nhờ tây-y chữa những triệu chứng khẩn cấp và theo đông-y để trị cái căn bệnh và tâm bệnh. Mỗi thứ đều có vai trò của mình như một đôi cánh giúp ta được cân bằng.
Để giữ cho mọi chuyện được cân bằng, các triết gia từ đông sang tây đều khuyên ta nên dùng thuyết TRUNG DUNG.
Ở phương đông thì ai cũng biết Trung Dung là một bộ sách trong Tứ Thư nổi tiếng của Trung hoa. Còn ở phương tây, thuyết trung dung là một đặc điểm của nền triết lý Hy Lạp. Platon xem đạo đức là những hành động điều hoà không quá khích. Socrate xem đạo đức do suy luận mà có. Trong đền thờ Apollon người ta có khắc chữ menden agan có nghĩa là không làm gì quá trớn. Aristote cho rằng con đường đến hạnh phúc là thuyết Trung Dung. Mỗi đặc tính có thể xếp thành 3 loại, loại đầu và loại chót là những loại quá khích, chỉ loại giữa mới là đạo đức: ví dụ nhút nhát và liều lĩnh đều là quá khích, còn can đảm là đạo đức. Hà tiện, phung phí và rộng rãi; Rụt rè, ngạo mạn và khiêm nhượng cũng giống vậy. Tuổi trẻ thường bị chao đảo hết từ thái cực này sang thái cực khác. Lúc nhỏ thì nhút nhát quá, khi lớn lại liều lĩnh quá; đối với người trên thì rụt rè quá, đối với người dưới thì ngạo mạn quá; chỉ khi họ già dặn thì mới trở nên can đảm và khiêm nhượng. Vậy biểu hiện của một người trưởng thành là họ sống rất TRUNG DUNG, rất điềm đạm, không bị quá khích. Tuy vậy, một người trung dung lại rất khó sống vì bị những người quá khích xem là “bảo thủ”, xem là không biết theo trào lưu, đôi khi còn bị hiểu nhầm là người không có chính kiến, thờ ơ, lãnh đạm.
Một người cân bằng âm - dương là một người “trong cứng ngoài mềm”, tức là ý chí bên trong của họ cứng như đá, nhưng bên ngoài lại vô cùng uyển chuyển và linh hoạt. Tôi để ý thấy ở Việt Nam thì những người sinh ra ở miền bắc khắc khổ nhưng lớn lên ở miền nam ôn hòa thì có được sự cân bằng âm dương này, và họ rất dễ thành công trên thương trường.
Bởi vì nếu ai để ý sẽ thấy rằng Việt Nam là một nước rất cân bằng âm dương. Nước chúng ta hình chữ S chia VÒNG TRÒN ÂM DƯƠNG ra làm hai, bên ngoài biển (âm) có đảo Hải Nam (dương), trong đất liền (dương) có Biển Hồ của Campuchia (âm. Dãy Trường Sơn chia đất nước làm hai miền khí hậu khác nhau khiến cho thức ăn và tính cách của người hai miền cũng khác nhau. Người miền Bắc thì cứng rắn, ưa nguyên tắc và kỷ luật; người miền Nam thì ôn hòa, ưa tự do và mềm dẻo. Sự kết hợp của hai miền tạo nên sự cân bằng của nước Việt ta, đó là một may mắn cho cả dân tộc.
Để có một suy nghĩ cân bằng thì bạn phải đọc những cuốn sách cân bằng, gặp gỡ những người cân bằng, có một cuộc sống cân bằng, ăn những thức ăn cân bằng, tức là bạn phải sống thuận tự nhiên.
Chỉ một người sống thuận tự nhiên thì mới cân bằng, chỉ một bộ óc cân bằng mới sản sinh được những tác phẩm cân bằng, chỉ những tác phẩm cân bằng mới được những người cân bằng cảm thụ, nên những người cân bằng thì luôn muốn tìm đến nhau để không bị xem là những “quái vật” giữa những “quái vật thực sự”.
Dấu hiệu của sự tiến bộ khi tự học
Đa số các bạn trẻ đo lường sự tiến bộ của việc tự học bằng số bằng cấp hoặc lượng kiến thức ngày càng chất cao như núi trong đầu họ. Họ thấy mình “càng học càng ngu” giống như các nhà khoa học nổi tiếng thường bảo, và họ cho rằng mình đang tiến bộ rất nhanh.
Họ lầm! Nếu càng học càng ngu đi thì học để làm gì? Học để thấy mình “khôn ra” chứ!
Cái học để thấy mình “ngu đi” là cái học của chủ nghĩa khoa học duy vật, nó mới có vài trăm năm nay thôi. Nhiệm vụ của các nhà khoa học duy vật đó là khám phá tính chất của vạn vật bên ngoài, mà càng khám phá thì kho kiến thức ấy càng phình to ra, nên họ cảm thấy mình nhỏ bé và chẳng hiểu biết gì về ngoại vật, do đó họ cho rằng mình “càng học càng ngu” thì cũng dễ hiểu. Họ tư duy theo lối PHÂN KỲ, tức là càng học thì họ càng “đẻ” ra nhiều phân loại hơn, nhiều khái niệm hơn và phức tạp hơn. Nói chuyện với họ ta như bị dắt vào một “rừng” các khái niệm chuyên sâu đầy mơ hồ và mâu thuẫn. Cả nhân loại ngày nay đang theo lối học ấy, nhưng tôi vẫn phải nói với bạn rằng, đó không phải là sự tiến bộ trong việc học.
Một người tinh tấn trong việc tự học thì “càng học càng khôn ra”, càng học càng suy nghĩ đơn giản hơn, càng học càng “HỘI TỤ”, càng học càng ít phải nương tựa vào khái niệm của kẻ khác để phô diễn tư tưởng của mình. Bởi vì họ không NHỚ kiến thức, mà họ biết TIÊU HÓA kiến thức để rút ra sự NGỘ cho trí tuệ của mình. Kiến thức mà được "tiêu hóa" thì sẽ hóa thinh không. Họ chỉ nắm những quy luật phổ quát của tự nhiên mà xét đoán mọi vật, chứ không nhớ tính chất rời rạc của vạn vật. Người như vậy gọi là có óc NHẤT NGUYÊN, còn kẻ ở trên thì có óc NHỊ NGUYÊN.
Nhìn chung thì phương Tây tư duy theo lối Nhị Nguyên, còn phương Đông (cổ xưa) tư duy theo lối Nhất Nguyên. Tuy nhiên ở đâu cũng có người này kẻ khác, ví như những triết gia sinh đồng thời ở phương Đông thì Lão Tử và Trang Tử theo lối nhất nguyên và Vô-Vi, còn Khổng Tử và Mạnh Tử thì có phần nhị nguyên và hữu-vi hơn.
Nói vậy không có nghĩa là tôi khuyên bạn nên nghiêng hẳn sang lối nhất nguyên và vô-vi, mà bạn nên cân bằng giữa nhất nguyên và nhị nguyên, giữa vô-vi và hữu-vi. Tức là nên dùng khoa học để phân tích, và dùng triết học để tổng hợp; nên dùng vô-vi cho phần lõi, và dùng hữu-vi cho phần biên.
Dù thế nào đi nữa thì nếu bạn càng học mà càng cảm thấy đầu óc mình sáng suốt hơn, tinh thần mình sảng khoái hơn, tâm hồn mình hạnh phúc hơn thì bạn đang tiến bộ trong việc học rồi đó, còn nếu thấy ngược lại thì phải xem lại việc học của mình.
Khi nào có thể “xuất sơn”
Người tự học thường xem mình giống như kẻ ẩn mình “luyện công” mong đến ngày được “xuất sơn” để tung hoành ngang dọc.
Vậy khi nào thì bạn có thể “xuất sơn”?
Ôn như Nguyễn Văn Ngọc có chép lại một truyện rất thâm thúy của Trang Tử trong quyển Cổ Học Tinh Hoa như vầy:
* * *
Vua Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi. Được mười hôm, vua hỏi:
Gà đã đem chọi được chưa?
Kỷ Sảnh thưa: Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi.
Cách mười hôm, vua hỏi: Gà đã đem chọi được chưa?
Kỷ Sảnh thưa: Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi.
Cách mười hôm, vua hỏi: Gà đã đem chọi được chưa?
Kỷ Sảnh thưa: Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi.
Mười hôm sau, vua lại hỏi: Gà đã đem chọi được chưa?
Kỷ Sảnh thưa: Được rồi, gà bây giờ cho nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu. Trông thì tựa như gà gỗ, mà thực thì đủ các ngón hay. Gà khác coi cũng đủ sợ, phải lùi chạy.
* * *
Cả gà và người nuôi thực là điềm đạm! Chỉ khi nào bạn đạt đến độ điềm đạm như con gà ấy thì mới nên “xuất sơn”.
----------
Tác giả: Nguyễn Hoài Nam (GiaNam.vn) - sáng lập Khai Trí
Theo dõi
Sáng lập và điều hành Cộng đồng tự học Khai Trí - khaitri.net
Sáng lập mạng xã hội SAY.edu.vn - nơi lên tiếng về các vấn đề giáo dục Việt Nam để tạo nên cuộc cải cách giáo dục "từ dưới lên".
Sáng lập trang tư vấn chọn nghề trực tuyến ChonNghe.net
Đồng sáng lập cộng đồng xây dựng Việt Nam TOPbuilder.net
Đồng sáng lập cộng đồng kiến trúc sư Architect.vn
Đồng sáng lập cộng đồng các nhà thiết kế Designer.vn
Sáng lập và điều hành Vườn ươm khởi nghiệp công nghệ Smartwebsite.vn
Giảng viên khoa xây dựng, đại học Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh - ce.uah.edu.vn
Blog: GiaNam.vn
Phone/zalo/viber: 0905995042
Email: nam.nguyenhoai@uah.edu.vn
Văn phòng tiếp khách:
- 196 Pasteur, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh
- 28 Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh.